Tổng quan về du học Mỹ: Hệ thống Đại học Mỹ chia thành mấy loại?

PHÂN LOẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ
Ở Mỹ có các loại trường đại học chính như sau: Đại học Quốc Gia (National University), Đại học Liberal Arts (Liberal Arts College), Đại học theo khu vực (Regional University) và Cao đẳng cộng đồng (Community College).
1. Đại học Quốc Gia (National University)

National University đào tạo theo chiều rộng, bao gồm các ngành học đa dạng của bậc đại học (undergraduate), thạc sĩ (master’s degree) và tiến sĩ (doctoral degree). Nhiều National University đầu tư chuyên sâu về nghiên cứu khoa học và học thuật và được chính phủ đài thọ các đề tài nghiên cứu. Ngoài ra, các National University cũng có một nhiệm vụ ngầm là nghiên cứu ra các đề tài mang tính thực tiễn cao cũng như có tầm cỡ thay đổi thế giới (ground-breaking researches).

PRINCETON UNIVERSITY (#1 NU) – PRINCETON, NEW JERSEY
Ưu điểm và Nhược điểm (dựa theo VAPedia):
Ưu điểmNhược điểm
- Cơ hội tiếp cận với những giáo sư hàng đầu của chuyên ngành.
- Cơ hội tiếp xúc với sinh viên không chỉ thuộc bậc đại học.
- Cơ hội tham gia dự án cùng các giáo sư cũng như thực hiện hoài bão nghiên cứu các đề tài ngay khi đang học tập.
- Cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là khoa học và nghệ thuật.
- Có nhiều lựa chọn ngành học: có thể chọn cả ngành học có tính thực tiễn cao (Marketing, Business, IT) lẫn các ngành học mang tính học thuật (Social Study, Math, Physics..)
- Mạng lưới du học sinh (current students) và cựu sinh viên (alumni) mạnh
Có tên tuổi trên thế giới (name recognition)
- Thư viện hiện đại và đồ sộ.
- Đinh hướng nghề nghiệp ngay sau khi ra trường. 
- Lớp học lớn nên ít cơ hội được trao đổi học tập trực tiếp từ các giáo sư.
- Nhiều khi phải học các lớp do trợ lý giảng dạy (teacher assistant) do trường lớn và số lớp nhiều
- Ít học bổng (trừ các trường hợp xuất sắc, ngoại lệ) vì kinh phí tập trung vào nghiên cứu.
- Cộng đồng sinh viên không khăng khít do lượng học sinh quá đông.

2. Đại Học Liberal Arts (Liberal Arts College)

Liberal Arts là chương trình học đại học (curriculum) tập trung truyền đạt các kiến thức tổng hợp (general knowledge) cũng như phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, tổng hợp kiến thức và suy nghĩ có phân tích của học sinh. Khái niệm Liberal Arts bắt nguồn từ quan điểm giáo dục Châu Âu, nhằm đào tạo các nhà lãnh đạo có kiến thức rộng về nhiều mặt và có khả năng gây ảnh hưởng lên số đông nhờ khả năng truyền đạt thông tin vô cùng hiệu quả dựa trên kiến thức đa dạng của mình. Quan điểm giáo dục Liberal Arts cho rằng phần lớn các kiến thức đào tạo trong trường sẽ được đào tạo lại khi bắt đầu đi làm, và điều quan trọng là sinh viên được đào tạo tư duy sắc sảo và khả năng viết và giao tiếp tốt.
WILLIAMS COLLEGE (#1 LAC) – WILLIAMSTOWN, MASSACHUSETTS
Như vậy, chương trình Liberal Arts không đi sâu vào một ngành nghề (specialization) nào mà tập trung vào đào tạo tư duy và cách suy nghĩ của học sinh. Liberal Arts bao gồm các môn khoa học tự nhiên và xã hội như Toán, Vật lý, Tâm lý, Xã hội học, Kinh tế học…. Các trường đại học giảng dạy theo chương trình Liberal Arts và chỉ tập trung vào đào tạo bậc đại học (undergraduate). Các trường đại học Liberal Arts lấy sự phát triển tư duy toàn diện của học sinh làm tiêu chí giảng dạy chứ không phải là các ngành học chuyên sâu. Tuy nhiên, học sinh của các trường đại học Liberal Arts sẽ có một định hướng ngành học rõ ràng (concentration/major), thường là sau năm thứ nhất hoặc thứ hai.
Ưu điểm và Nhược điểm (dựa theo VAPedia):
Ưu điểmNhược điểm
- Chuyên sâu về đào tạo đại học.
- Phần lớn ĐH Liberal Arts là trường tư dành cho giới trung lưu trở lên nên hệ thống hỗ trợ tài chính từ cộng đồng phụ huynh giàu có cũng như các tổ chức tư nhân dồi dào.
- Giáo sư chú trọng đến từng cá nhân do số học sinh trong một trường ít.
- Cộng đồng sinh viên gắn bó khăng khít nên dễ dàng xây dựng các mối quan hệ có ích cho công việc và cuộc sống.
- Nền giáo dục toàn diện.
- Cơ sở vật chất không được dồi dào như các trường đại học quốc gia.
- Ít phổ biến hơn so với các trường đại học quốc gia.
- Không nhiều khóa học để chọn lựa như đại học quốc gia.
- Các khóa học mang tính hướng nghiệp như Kế Toán, Tài chính…thường không có nhiều nên khó khan cho những học sinh muốn chọn những ngành cụ thể này.

3. Đại học theo khu vực (Regional University and College )

Regional University và Regional College là các trường đại học đào tạo bậc đại học và thạc sĩ, chỉ có một số ít các trường là đào tạo tiến sĩ. Các trường đại học này còn được gọi là Master’s university cũng là vì lí do trên. Các trường đại học này được chia làm 4 khu vực chính của Mỹ: Bắc, Nam, Tây, và Trung Tây (North, South, West, Midwest).
PROVIDENCE COLLEGE (#1 IN REGIONAL UNIVERSITIES NORTH) – PROVIDENCE, RHODE ISLAND
Regional University khá tương đồng với National Unviersity về nhiều mặt, chỉ khác là Regional University không đào tạo đến bậc tiến sĩ và quy mô nhỏ hơn. Trong số 626 Regional University, 263 trường là đại học công, 350 là trường tư và 13 thuộc các tổ chức kinh tế (tương tự như ĐH FPT ở Việt Nam). Trong khi đó, Regional College khá giống với Liberal Arts College ở chỗ tập trung chính vào giáo dục Đại học. Tuy nhiên, trong số  370 Regional College (bao gồm 95 trường công, 259 trường tư và 16 trường thuộc các tổ chức kinh tế) chỉ khoảng 50% số trường này đào tạo theo định hướng của Liberal Arts, còn lại đào tạo theo các định hướng nghề nghiệp và chuyên môn nhiều hơn .
Các trường đại học khu vực được chia làm 4 khu vực chính của Mỹ: Bắc, Nam, Tây, và Trung Tây (North, South, West, Midwest). Đại học khu vực thường ít được biết đến ở những vùng khác vùng của đại học đó. Vì vậy, đa số sinh viên ra trường hay học sinh đang ở trường sẽ làm việc hay thực tập ở khu vực xung quanh trường (trong cùng một thành phố, vùng hoặc bang). Vì đặc tính vùng miền này, Regional University và Regional College đã được US News đặt tên mới như hiện nay (Đại học khu vực) thay vì tên Master University như cũ. US New và đồng thời gọi đại học Liberal Arts là National Liberal Arts College vì độ phổ thông khá lớn của các trường này.
4. Cao đẳng cộng đồng (Community College)

Cao đẳng cộng đồng là hệ thống giáo dục 2 năm trên bậc trung học của Mỹ tương tự với hệ cao đẳng của Việt Nam và chúng mang tính hướng nghiệp cao. Sinh viên ra trường có thể sẽ đi làm việc ngay hoặc chuyển tiếp tới một đại học 4 năm (transfer) để hoàn thành chương trình đại học ở Mỹ. Các trường cao đẳng cộng đồng có mức học phí thấp và hỗ trợ học tiếng Anh nên đây cũng là sự lựa chọn của nhiều bạn học sinh khi muốn học ở Mỹ nhưng chưa thành thục về tiếng hay điều kiện tài chính khó khăn.

NORTHWEST COMMUNITY COLLEGE – SENATOBIA, MISSISSIPPI
QUÁ TRÌNH NỘP HỒ SƠ VÀO ĐẠI HỌC MỸ

1. Sơ lược về quá trình nộp hồ sơ

Đa số các trường đại học Mỹ (hay chí ít là đa số các trường đại học mà học sinh Việt Nam hay apply) đều nằm trong hệ thống CommonApp. CommonApp là một bộ hồ sơ duy nhất dùng chung cho tất cả các trường đại học nằm trong hệ thống. Hoàn thành các mục cơ bản của CommonApp là một trong những bước quan trọng đầu tiên của toàn bộ quá trình apply bắt đầu từ mùa hè sau năm lớp 11.
Ngoài CommonApp, rất nhiều các trường đại học còn có 1 bộ hồ sơ bổ sung gọi là Supplemental Application (ví dụ Yale Supplemental Application, gọi tắt là Yale supp). Đây cũng là phần bắt buộc để có thể hoàn thành bộ hồ sơ.CommonApp thường được phát hành mỗi năm vào tháng 8, trong khi đó, supplemental app lại tùy thuộc vào mỗi trường.
Nhiều trường thuộc hệ thống đại học của bang (state university) hay thậm chí một số trường đại học tư như Georgetown sử dụng bộ hồ sơ riêng. Vì vậy nếu như trong CommonApp không xuất hiện tên trường, bạn phải truy cập vào website của trường để hoàn thành hồ sơ.
Học viên có thể lựa chọn nộp Common Application bản cứng hoặc bản mềm. Với mức độ điện tử hóa hiện nay, phần lớn các thí sinh lựa chọn nộp Common App bản mềm thông qua trang commonapp.org

2. Các lựa chọn khi nộp hồ sơ

Early Decision (ED): Là chương trình nộp hồ sơ sớm, thường có hạn chót nộp hồ sơ (deadline) là đầu tháng 11. Kết quả thường có vào giữa tháng 12 hoặc đầu tháng 1. Khi bạn quyết định lựa chọn chương trình này để nộp hồ sơ, bạn chỉ được phép ED vào 1 trường duy nhất, và khi được nhận, bạn bắt buộc phải vào học (cũng có nghĩa bạn phải từ chối lời mời nhận học từ các trường Early Action (Một lựa chọn khác có hạn trễ hơn ED) và không được nộp hồ sơ lựa chọn bình thường (Regular Decision). ED là chương trình có khá nhiều rủi ro nên cần cân nhắc kỹ trường đại học bạn chọn. Tốt nhất nên chọn trường dồi dào về tài chính, trợ cấp học bổng cho học sinh quốc tế. Một số trường chia ED thành 2 đợt: ED1 và ED2. Nếu bạn trượt ED của một trường nào đó, bạn vẫn có thể ED2 vào trường mà có lựa chọn nộp hồ sơ này.
Early Action (EA): Là chương trình nộp hồ sơ sớm không ràng buộc. Ngoại trừ một số trường như Yale hay Stanford có Restrictive EA (chỉ được EA vào một trường duy nhất), bạn có thể EA nhiều trường một lúc. Lưu ý: khi bạn ED, bạn vẫn có thể EA. Và nếu bạn trúng tuyển EA, bạn có thể chọn không vào học và tiếp tục quá trình apply.
Regular Decision (RD): Là chương trình nộp hồ sơ bình thường, có deadline vào đầu hoặc giữa tháng 1. Kết quả thường có vào tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Nếu như bạn bị cho vào danh sách đợi (waitling list) – nghĩa là ban xét duyệt hồ sơ còn chưa chắc lắm về việc có chấp nhận bạn hay không, thì kết quả sẽ có vào tháng 5 hoặc 6 tùy vào lượng học sinh còn thiếu.
HARVARD UNIVERSITY (#2 NU) – CAMBRIDGE, MASSACHUSETTS
THÔNG TIN VỀ TÀI CHÍNH
Hiện nay các trường đại học Mỹ có 4 loại trợ cấp tài chính chính cho học sinh quốc tế:
– Need-based financial aid: Đây là gói hộ trợ tài chính dựa theo khả năng tài chính của gia đình. Có nghĩa là nhà trường xác định số tiền trợ cấp tài chính cho học sinh dựa vào khả năng chi trả tối đa của gia đình.
– Merit-based financial aid / Scholarship: Đây là gói hộ trợ tài chính, hay còn gọi là học bổng, dựa vào khả năng của học sinh. Ví dụ một học sinh được điểm SAT (Toán + đọc) trên 1410 hoặc ACT 32+ có khả năng nhận được học bổng của trường.
– Work-study program: Đây là chương trình vừa học vừa làm. Số tiền kiếm được nhờ các công việc trong trường (on-campus) dao động từ $2000-$5000.
– Loan: Khoản vay dành riêng cho học sinh quốc tế.
Các mẫu đơn cần thiết để kê khai tài chính
– CSS profile- College Scholarship Service Profile: Là hồ sơ xin trợ cấp tài chính chung cho phần lớn trường ĐH ở Mỹ do College Board xây dựng ISFAA – International Students Financial Aids – là hồ sơ xin trợ cấp tài chinh cho sinh viên quốc tế. Mặc dù phần lớn trường ĐH chấp nhận sinh viên quốc tế nộp CSS, một số trường vẫn yêu cầu sinh viên dùng ISFAA
– Certification of Finances: Là đơn tường trình về năng lực tài chính của thí sinh apply. Mục đích của đơn này là để giúp hội đồng xét duyệt đánh giá khả năng tài chính của thí sinh và gia đình và dự đoán khả năng chi trả học phí.
– Certification of monthly income: Là chứng nhận về thu nhập thàng tháng của thí sinh hoặc thành viên trong gia đình có cam kết hỗ trợ tài chính cho thí sinh đi học (bố, mẹ, anh, chị). Thường thì Certificaiton of monthly income là hồ sơ bổ trợ cho Certification of Finances để giúp đánh giá tình hình tài chính gia đình.
– Bank statement: Chứng nhận về tiền tiết kiệm trong ngân hàng của gia đình (nếu có) – Đây cũng là một trong những chứng nhận kèm theo Certificaiton of Finances để chứng minh năng lực tài chính của thí sinh và gia đình.

Quý phụ huynh và học sinh quan tâm đến chương trình tư vấn du học vui lòng hoàn thành hồ sơ đăng ký tại: https://summit.edu.vn/ggf-tvdh