HARVARD UNIVERSITY (#2 NU)

Trong suốt 380 năm qua, cái tên Harvard luôn gắn liền với chất lượng, uy tín, và thành tựu. Đại học Harvard, đại học đầu tiên của Mỹ, vẫn là chuẩn mực để các đại học khác noi theo. Với mục tiêu “phát triển nhân loại và các nhà lãnh đạo của nhân loại”, Harvard thu hút những sinh viên giỏi nhất, những giáo sư đầu ngành, và có quỹ tài trợ lớn nhất thế giới. Một số khoa của Harvard nhỏ hơn những khoa khác nhưng tất cả đều có những giáo sư nổi tiếng xuất sắc trong lĩnh vực của họ. Nhiều người trong số đó đã viết những quyển sách kinh điển hoặc các giáo trình cho các trường đại học khác. Những vận động viên Olympic, nghệ sĩ piano, và học giả Rhodes dễ dàng hòa nhập ở nơi đây; họ sẵn sàng nắm bắt cả những khó khăn lẫn cơ hội mà chỉ có một trường đại học như Harvard mới có thể đem tới.

Về cả mặt tinh thần lẫn địa lý, trường xoay quanh Sân Harvard (Harvard Yard), một cấu trúc tứ giác với các tòa nhà gạch bao bọc bởi những bức tường cổ, tưởng như vẫn còn vang đâu đó giọng nói của William James, Henry Adams, và những vị học giả đã từng học tập tại đây. Khu Trung tâm sinh viên Loker Commons cho sinh viên một nơi để gặp mặt và đàm đạo triết học. Harvard vừa bắt đầu xây dựng một cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật lớn với giá 1 tỷ đô la Mỹ ở Allston bên kia bờ sông.

Điều duy nhất có thể làm lu mờ cơ sở vật chất tối tân của Harvard là chính đội ngũ giáo sư tuyệt vời của trường. Trong hệ thống “ngôi sao” của trường, Harvard chỉ nhận những giáo sư đã là những huyền thoại, những vị học giả đầu ngành trong lĩnh vực của mình, và cho họ toàn quyền sử dụng nguồn lực của trường để nghiên cứu. Ngạc nhiên thay, một trong những điểm mạnh nhất của Harvard cũng là một trong những vấn đề lớn nhất của trường. “Bạn có thể thoải mái liên hệ với giáo sư, nhưng bạn phải rất chủ động” – một sinh viên sinh học nói. “Đây không phải là một đại học nhỏ nơi mọi người liên hệ trước với bạn.” Dù vậy giáo sư không phải là không quan tâm đến sinh viên. Hầu hết các giáo sư đều dạy ít nhất một khoá mỗi năm cho bậc cử nhân, và cả những giáo sư đầu ngành cũng có các lớp hội thảo cho sinh viên đại học.

Trong thập niên 70, Harvard đã giúp phát động một chiến dịch cải tổ chương trình học. Dù hiện tại đang được xem xét lại, chương trình học nền tảng mà Harvard tạo ra vẫn được coi là một trong những chương trình tốt nhất của nền giáo dục Mỹ đương đại. Chương trình này yêu cầu sinh viên hoàn thành một khoá lấy điểm trong 8 hạng mục khác nhau: lí luận nghệ thuật và diễn giải, văn hóa và đức tin, tư duy toán học, lí luận đạo đức, khoa học của các hệ thống sống, khoa học về vũ trụ vật lý, các xã hội trên thế giới, và nước Mỹ trong thế giới.

Những ngành học nổi tiếng nhất cũng là những ngành học lớn nhất của Harvard: kinh tế, chính trị, tâm lý học, tiếng Anh, khoa học sinh học, toán học ứng dụng, và khoa học máy tính thu hút phần lớn số sinh viên của trường. Tuy vậy, các ngành nhỏ hơn của trường cũng là những viên ngọc quý trong giới học thuật: Nghiên cứu văn hoá Á Đông được đánh giá là chương trình tốt nhất trong cả nước Mỹ. Dưới sự dẫn dắt của Henry Louis Gates, ngành nghiên cứu về người Châu Phi và người Mỹ gốc Phi đã tập hợp được một nhóm đầy quyền lực bao gồm những người da màu có tầm ảnh hưởng. Các lớp liên ngành nhỏ hơn của Harvard và đòi hỏi nộp đơn để xét tuyển học cũng được sinh viên dành lời khen. Ngành nghiên cứu về thị giác và môi trường của Harvard cũng hỗ trợ những nhà làm phim, nghệ sĩ studio, và cả những nhà quy hoạch đô thị. Dù Harvard không có ngành giáo dục, chương trình Harvard Teacher Fellows cho phép sinh viên được chọn một con đường trở thành giáo viên dạy toán, khoa học, lịch sử, và tiếng Anh ở các trường cấp 2 hoặc cấp 3. Sinh viên cũng có thể tự thiết kế ngành học của mình. Nếu sinh viên không tìm thấy một lớp mình cần, Harvard cho phép họ học các lớp ở các trường hợp tác với họ, như MIT (Massachusetts Institute of Technology).

Không ai có thể chỉ bạn cách để được nhận vào Harvard, nhưng trường cũng có xu hướng nhận sinh viên nằm trong top đầu với 95% số sinh viên của họ đứng trong top 10% trở lên ở trong trường cấp 3 của mình. Cử nhân của trường đến từ tất cả 50 bang của Mỹ – 74% trong số đó là những người không phải ở bang Massachusetts – dù số lượng sinh viên trường phần lớn là người ở vùng đông bắc Mỹ. 12% số sinh viên là sinh viên quốc tế, đại diện cho 70 quốc gia khác nhau. Sinh viên Mỹ gốc Phi chiếm 7% số sinh viên của trường, sinh viên nói tiếng Tây Ban Nha chiếm 10%, và sinh viên Mỹ gốc Á chiếm 20%. Tuy trường không trao học bổng, Harvard đảm bảo sẽ đáp ứng bất cứ nhu cầu tài chính nào của những sinh viên mà trường nhận học.

90% số sinh viên sống trong ký túc xá trường, và các sinh viên năm nhất sống và sinh hoạt ở trong Harvard Yard, một đặc quyền được sinh viên ưa thích do chất lượng của các kí túc xá năm nhất tại đây. Ở Harvard, đặc trưng nhất trong đời sống xã hội có lẽ phải kể đến câu lạc bộ final (final clubs) – nơi các sinh viên Harvard giao lưu, làm quen, và mở rộng vòng tròn quan hệ của mình. Các hoạt động bên ngoài trường gồm có 80 buổi chiếu kịch nghệ hàng năm, 2 toà soạn báo và nhiều tạp chí khác nhau, cũng như một số lượng lớn những chương trình từ thiện phối hợp với tổ chức học sinh Phillips Brooks House Association. Sinh viên cũng có thể đến Cambridge hay Boston để thư giãn. Quảng trường Harvard là một địa điểm du lịch nổi tiếng với khách tham quan.

Ta thật sự không thể tìm thấy nơi nào có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh viên qua tên tuổi của trường như Harvard. Lá thư chấp nhận ở nơi này sẽ mở ra cho bạn cánh cửa đến với một thế giới tri thức, các thử thách học thuật mới lạ, và một đội ngũ giáo viên độc nhất.

Nguồn: Fiske Guide

Danh sách các trường Đại Học Mỹ