fbpx

MCGill UNIVERSITY (#2 CANADA)

Là đại học tốt nhất khu vực phía Nam Canada, McGill có hệ thống giảng dạy bằng tiếng Anh. Tuy vậy, trường tọa lạc ở Montreal, thành phố nói tiếng Pháp vô cùng tiện nghi với chất lượng sống hàng đầu thế giới. Ở McGill, cá tính riêng được đề cao, và môi trường học tập ở đây mang tính quốc tế. Chỉ hơn 10% sinh viên sống trong trường, và tất cả mọi người đều tự tìm chỗ ở sau năm học đầu tiên. 

Với các chương trình giảng dạy nghề chất lượng và cộng đồng sinh viên đa dạng, không ngạc nhiên khi các sinh viên đầy quyết tâm từ khắp thế giới đổ về học tại McGill. Tuy nhiên, đây không phải là một đại học khuôn mẫu, và việc hòa nhập thật ra cũng không được động viên nhiều. “McGill là một ngôi trường nơi con người ta được tự do sống với cá tính của mình,” một sinh viên năm tư cho biết. “Khác biệt và sáng tạo rất được đề cao ở đây.”

Khí hậu Montreal thay đổi giữa mùa hè nóng nực và mùa đông lạnh giá. Một sinh viên năm ba miêu tả khuôn viên 35 ha của McGill như “một ốc đảo giữa tâm thành phố.” Nằm ở ngay trung tâm Montreal náo nhiệt, trường có nhiều không gian xanh và là nơi trú ẩn tuyệt vời khỏi đô thị xô bồ. Các tòa nhà trong trường được xây theo phong cách từ “giống Gothic” với những giàn cây leo phủ kín tường, cho tới những cấu trúc hiện đại hơn. Dàn cây xanh rải trên khắp khuôn viên, và đường đi bộ Mount Royal kéo dài tới tận phía bắc trường. Các cơ sở vật chất mới hơn bao gồm khu phức hợp khoa học trị giá $71 triệu đô-la, cũng chính là điểm sáng lớn nhất trong số các công trình phức hợp nghiên cứu cùng loại ở phía Đông Canada, và Viện Thần kinh Montreal. Trường Nhạc Schulich có sảnh đa phương tiện và thính phòng hết sức hiện đại, có thể sử dụng như phòng thu, không gian biểu diễn, và phòng nghiên cứu. Nếu lái xe xuống phía tây trung tâm thành phố, ta sẽ thấy khuôn viên Macdonald của trường tọa lạc trên 647 ha rừng và đồng cỏ bên bờ biển Lac St-Louis, mang tới nhiều cơ hội thực nghiệm và nghiên cứu có một không hai.

Mặc dù các chuyên ngành phổ biến nhất của trường là tâm lí học, khoa học chính trị, thương mại, và giáo dục; không thể phủ nhận rằng thế mạnh của trường nằm ở các chương trình đào tạo nghề như y học, luật và kĩ thuật. Các môn khoa học và Trường Nghiên cứu Môi trường của McGill đều được đánh giá cao. Nếu muốn tránh mùa đông khắc nghiệt của Montreal, sinh viên có thể đi thực tập hoặc thực nghiệm ở Barbados, châu Phi và Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian ở Panama; tham gia chương trình trao đổi với hơn 500 đại học đối tác trên toàn thế giới; và du học thông qua chương trình Du học Đại học Canada.

Để hoàn thành các yêu cầu học thuật chung, sinh viên trước tiên cần chọn chuyên ngành (hoặc giảng viên) để theo học. Một sinh viên năm tư cho biết, “Việc chọn giảng viên rất quan trọng, bởi hệ thống giảng viên ở đây rất đa dạng và hoạt động như một tổ chức riêng biệt.” Trung bình, sinh viên cần đạt 120 tín chỉ để tốt nghiệp trong vòng bốn năm. Sinh viên năm nhất cần đạt từ sáu đến 12 tín chỉ trong ba trên bốn lĩnh vực, bao gồm ngôn ngữ, toán và khoa học, khoa học xã hội, và nhân văn, cũng như chọn chuyên ngành trước khi bắt đầu học năm thứ hai. Khi theo chuyên ngành, sinh viên được chọn từ rất nhiều môn học bao gồm các chương trình giảng dạy danh dự và chuyên ngành đôi. Chương trình song bằng liên ngành cho phép sinh viên kết hợp một bằng cử nhân nghệ thuật với một bằng về khoa học. Trường cũng có nhiều chương trình khác để giúp tân sinh viên làm quen với cuộc sống đại học; một vài trong số đó dành riêng cho sinh viên quốc tế, bao gồm cả sinh viên Mĩ. 

Các lớp học đều khó dù bạn theo chuyên ngành nào. “McGill có môi trường cạnh tranh và khá áp lực,” một sinh viên tài chính chia sẻ. Các lớp học thường khá lớn – đặc biệt là các lớp năm nhất, ⅔ số lượng lớp này có hơn 100 sinh viên – và sinh viên cần sẵn sàng chủ động tìm giáo sư và cố vấn. “Chất lượng giảng dạy nhìn chung trên trung bình,” một sinh viên cho biết. “Rất nhiều giáo sư tử tế, thông minh và tận tâm với học sinh,” một sinh viên chia sẻ. Nhưng nhiều người phàn nàn rằng hệ thống cố vấn học thuật còn quan liêu. “Có quá nhiều thủ tục và làm việc với ban quản lí trường có thể rất kinh khủng,” một sinh viên năm tư nhận xét. 

46% sinh viên hệ cử nhân của trường là người Quebec, và 29% là sinh viên quốc tế tới từ hơn 140 quốc gia. Thật vậy, sinh viên McGill rất đa dạng, nếu có điểm chung giữa họ thì chỉ có thể là tính tự lập. Một sinh viên địa lí nhận xét rằng cộng đồng McGill “chăm chỉ, quyết tâm, rất tri thức, và thiên về làm nghiên cứu.” Các vấn đề về môi trường nhận được sự quan tâm rất lớn, và sinh viên cho rằng các chủ đề chính trị và xã hội cũng thu hút nhiều sinh viên trong trường. McGill trao các suất học bổng dựa trên thành tích học tập nhưng không có học bổng dành cho vận động viên. Trường có chương trình vừa học vừa làm để giúp đỡ sinh viên cần hỗ trợ tài chính. 

Các tòa kí túc xá truyền thống và hiện đại của trường là nơi ở của 13% sinh viên, bao gồm kí túc, căn hộ và các khu nhà dùng chung cơ sở vật chất. Chất lượng kí túc xá không đồng đều, nhưng khu nhà mới nhất giống hệt “một khách sạn bốn sao được chuyển thành kí túc xá sáu sao,” theo một sinh viên chia sẻ. Những người thích tiệc tùng sẽ hợp ở tòa Molson hoặc McConnell, trong khi những sinh viên mọt sách hợp ở Gardener hơn. Sinh viên ở tòa Douglas đều thích vẻ duyên dáng của tòa nhà. Trong khi đó, nếu không muốn ở chung, nữ sinh McGill có thể tìm phòng ở Royal Victoria College, khu kí túc dành riêng cho nữ. Các căn hộ bên ngoài trường cũng là lựa chọn phổ biến cho sinh viên khóa trên tận dụng thị trường thuê nhà sạch và giá rẻ ở Montreal. “Cơ sở vật chất ăn uống khá tốt,” một sinh viên năm hai nhận xét. Mặc dù ở trung tâm thành phố, khuôn viên McGill vẫn an toàn và an ninh ở trường thậm chí còn tốt hơn mức cần thiết. “Có các tổ chức sinh viên như “Walksafe” và “Drivesafe” sẽ đưa hoặc chở sinh viên về kí túc xá ban đêm, dù cho họ đang ở đâu hay về đâu,” một sinh viên cho biết. 

“Sinh viên McGill rất hòa đồng và thích tiệc tùng,” một sinh viên nhận xét. Mặc dù “có rất nhiều hoạt động xã hội trong trường với nhiều câu lạc bộ và tổ chức,” nhiều sinh viên vẫn ra khám phá Montreal. “Montreal là một trung tâm văn hóa lớn, có bảo tàng, triển lãm, nhà hàng, cửa hàng và âm nhạc tuyệt nhất trên thế giới,” một sinh viên năm tư hào hứng. “Luôn có hòa nhạc và lễ hội miễn phí trong thành phố suốt cả năm.” Các sự kiện nổi tiếng của trường bao gồm lễ trở về của cựu sinh viên, Lễ hội Mùa đông, và các hoạt động trong chuỗi Frosh Week. Các địa điểm phượt yêu thích của sinh viên McGill bao gồm thành phố New York, Ottawa, và Toronto. Các khu trượt tuyết cũng chỉ cách trường gần một giờ. 

Các đội bóng rổ và khúc côn cầu trên băng nam nữ, khúc côn cầu nam, và bóng đá nữ nằm trong số những môn thể thao thi đấu phổ biến nhất của sinh viên. Đội bóng chày, việt dã nam và bơi nghệ thuật nữ đã từng vô địch toàn quốc. Một sinh viên cho biết, “Trận khúc côn cầu giữa McGill và Harvard không thể không xem.” Các môn thể thao nội bộ mang tới cho sinh viên cơ hội xả hơi sau những giờ học hoặc vào cuối tuần; bóng đá và khúc côn cầu trên băng là những môn phổ biến nhất. 

Những năm gần đây chính phủ Quebec ít có động thái tài trợ cho ngôi trường xuất sắc nói tiếng Anh này, và các lớp học sĩ số lớn cũng như tình trạng quan liêu đâu đó trong trường là một phần của hiện thực ở McGill. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên tại đây đều rất vui vẻ. “Sinh viên McGill đều tập trung học tập và tự hào về ngôi trường của mình,” một sinh viên chia sẻ.

Nguồn: Fiske Guide