Trải nghiệm thực tập ở một công ty công nghệ tại Ấn Độ, viết phần mềm cho người gặp khó khăn vì dịch Covid-19 đã giúp Hương Giang trúng tuyển Michigan – Đại học tốp đầu về công nghệ thông tin tại Mỹ.
THỂ HIỆN CON NGƯỜI VỚI NHIỀU KHÍA CẠNH
Thời gian làm hồ sơ, Bùi Hương Giang (sinh năm 2003) gặp thách thức trong việc cân bằng thời gian. Vì quỹ thời gian có hạn nhưng cùng lúc em vừa tham gia 4 dự án ngoại khóa, vừa học tập duy trì GPA tại trường và ôn thi chuẩn hóa SAT, TOEFL.
Thêm nữa, Giang còn dành thời gian lên ý tưởng cho bài luận để làm sao nó thể hiện rõ nhất con người em chỉ qua 650 chữ và làm thế nào để thuyết phục hội đồng tuyển sinh em là một người phù hợp với trường.
Giang chia sẻ, em đã thể hiện mình là một người có khá nhiều khía cạnh. “Ngoài học tập em còn có thực tập, trải nghiệm thực tế, em có cơ hội lãnh đạo và các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng. Các hoạt động đó cũng đa dạng, ngoài mạnh về mảng công nghệ thông tin còn liên quan đến giáo dục, khoa học máy tính…”.
“Chính các khía cạnh đã giúp em có nhiều kỹ năng trải nghiệm sống. Thêm nữa, những bài luận của em thể hiện sự cam kết với cộng đồng và mong muốn rõ ràng rằng mình sẽ làm gì, mình sẽ cống hiến gì cho cộng đồng, mình sẽ làm gì sau 4 năm đại học. Em nghĩ những góc nhìn rõ ràng như vậy đã giúp em được hội đồng tuyển sinh đánh giá tốt”, Giang cho biết.
Bài luận của cô gái Việt nói về trải nghiệm em đi thực tập tại một công ty công nghệ tại Ấn Độ.
Em đã viết phần mềm kết nối các tình nguyện viên và tổ chức tình nguyện ở Canada gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trải nghiệm đó đã cho Hương Giang rất nhiều… Không chỉ là học cách viết phần mềm, đưa nó đến tay người dùng mà còn là những kỹ năng mềm khác như giao tiếp với các đồng nghiệp trong công ty, cách kết nối mọi người, cách thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu và định hướng của người dùng, làm thế nào đưa sản phẩm đến tay nhiều người dùng nhất có thể…
Trải nghiệm đã giúp Hương Giang thể hiện được nhiều nhất bản thân mình, một cô gái trẻ đam mê công nghệ và muốn làm ra những sản phẩm giúp cho cộng đồng. Và định hình được từ sớm bản thân có đam mê, khả năng theo học về phát triển phần mềm trong ngành Khoa học máy tính.
Một điều thú vị là Hương Giang không phải là “dân” chuyên Tin. Em là một học sinh chuyên Toán trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Chính thế mạnh về Toán đã giúp Hương Giang tư duy logic, cụ thể rất tốt và tạo nền tảng để em theo học Khoa học máy tính và công nghệ, có thể tạo ra những phần mềm một cách tối ưu nhất.
LUÔN CAM KẾT THỰC HIỆN ĐẾN CÙNG CÁC MỤC TIÊU
Bên cạnh trải nghiệm viết phần mềm, Hương Giang còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác. Em làm Chủ tịch một tổ chức về công nghệ – Vietcode.
Giang cho hay: “Trước đây, chúng em dạy code cho các bạn nhỏ tuổi hơn về công nghệ và tổ chức các sự kiện để truyền cảm hứng cho mọi người về công nghệ. Sau một thời gian hoạt động, tự xem xét lại thì bọn em nhận thấy đó không phải là cách tốt nhất có thể giúp cộng đồng và phổ cập công nghệ nên đã chuyển hướng cho các bạn học sinh trực tiếp tham gia vào quá trình làm sản phẩm.
Các bạn trẻ được học. Nhóm em đồng hành giúp các bạn làm sản phẩm luôn, sản phẩm đó chuyển đến cộng đồng để nhiều người có cuộc sống tốt hơn”. Quy mô của tổ chức là 20 người. Tổ chức có kế hoạch tăng lên 50 người nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng với các bạn trẻ. Hiện nhóm bạn đã có một phần mềm chuẩn bị được ra mắt dành cho các bạn học sinh yêu thích và muốn tìm hiểu về hoạt động ngoại khóa.
Những nỗ lực được đền đáp, Hương Giang cùng lúc trúng tuyển 2 trường đại học hàng đầu Mỹ và Canada.
ĐH Toronto (Canada), ngôi trường mơ ước của Giang đã cấp cho em mức học bổng $103,000 CAD (tương đương khoảng 2 tỷ đồng).
Cùng lúc, cô gái Việt cũng nhận thư trúng tuyển của ĐH Michigan tại Mỹ, ngôi trường đứng Top 5 ngành Khoa học máy tính tại Mỹ.
Dù đã đạt được mơ ước, Hương Giang vẫn tiếp tục cam kết làm việc tại Vietcode này để nâng quy mô, tham gia tổ chức này cho đến khi em bay sang Canada vào mùa thu tới.
Hương Giang tự miêu tả bản thân là người cầu toàn, có khả năng định hướng, có tầm nhìn, em biết chính xác mình muốn gì, cần gì. Em là người có trách nhiệm và cam kết thực hiện đến cùng những mục tiêu đề ra.
“Ước mơ lớn nhất của em là tạo ra một doanh nghiệp. Ở đó, mọi người có thể sáng tạo ra các phần mềm. Kinh doanh cũng rất quan trọng khi thành lập một startup nhưng quan trọng không kém là tác động, ảnh hưởng xã hội của nó”, Giang chia sẻ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nu-sinh-viet-do-dh-michigan-top-dau-cua-my-do-viet-phan-mem-ve-covid19-20210609221923491.htm