Bí kíp để trả lời các câu hỏi về điểm yếu

Các trường sau tốt nghiệp thường dùng câu hỏi về “điểm yếu” để xem xét khả năng đánh giá bản thân của sinh viên. Các nhà tuyển sinh muốn tìm ra các kế hoạch hành động, thực hiện, và tỉ lệ thành công của ứng viên. Hãy làm theo 6 gợi ý sau đây để có sự suy xét kĩ càng, đánh giá điểm yếu của mình và chuẩn bị viết về chúng trong bài luận hoặc nhắc tới trong bài phỏng vấn.


1. Hãy thành thực

Nếu bạn đã từng bị sa thải trong 1 công việc, hãy bàn về các bài học bạn tích lũy được từ trải nghiệm tiêu cực ấy và cách bạn vượt qua nó. Nếu vấn đề của bạn là sự trì hoãn, hãy viết về việc bạn cải thiện kĩ năng quản lý thời gian của mình như thế nào.

2. Tập trung vào khía cạnh công việc

Chủ đề ở đây nên liên quan đến các điểm yếu trong công việc. Đây không phải lúc để bàn về chứng nghiện socola hay cuồng trò chơi điện tử, cho dù bạn đã vượt qua nó thành công đến mấy đi chăng nữa.

3. Tập trung vào chính điểm yếu của bạn

Hội đồng tuyển sinh chẳng hề hứng thú với việc sếp bạn là một thằng đểu hay bàn làm việc bừa bộn của bạn thực chất là do người cùng phòng cẩu thả. Câu hỏi đặt ra xoay quanh bạn và khuyết điểm của bạn. Đừng đem sự chú ý hoặc đổ lỗi lên người khác. Hãy nhận trách nhiệm và cho thấy bạn đã trưởng thành và thay đổi.

4. Tiếp cận vấn đề một cách chủ động

Nếu như điểm của bạn tại một lớp bị thấp, học lại lớp đó và cày thật trâu vào. Đừng đợi tới lúc nhà tuyển sinh đưa ra lời gợi ý về việc học lại khóa đấy cho mình. Nếu bạn là một người hay ngại ngùng, hãy tham gia ngay một lớp tập nói trước đám đông và cho người phỏng vấn thấy bạn đang cố gắng vượt qua thử thách đó. Hãy chủ động. Bằng cách này, khi bàn về khuyết điểm của mình, bạn có thể chỉ ra bạn đã làm những gì để cải thiện nó.

5. Tránh sáo rỗng

Đừng dùng sự chăm chỉ của bạn khi chưa tốt nghiệp Đại học làm một điểm yếu – “Tôi đoán đôi lúc tôi đã làm việc quá nhiều.” Bất cứ ai phỏng vấn hoặc đọc bài luận bạn có phần này đều hiểu rằng bạn rất tự hào về thái độ làm việc của bạn. Vì thế, biến một điều tích cực thành tiêu cực có thể sẽ chống lại bạn trong trường hợp này.

6. Chuẩn bị trước câu trả lời cho phỏng vấn

Bạn sẽ không muốn bị “bí” câu trả lời, không biết nói gì hay lỡ miệng nói một điều ngớ ngẩn nào đó khi các nhà tuyển sinh hỏi về điểm yếu của bạn. Nghĩ về chúng trước khi bạn phỏng vấn sẽ giúp bạn tìm ra được câu trả lời thông minh và cô đọng.

Giờ thì bạn đã được chuẩn bị kĩ để bàn về điểm yếu của mình và thể hiện cách bạn vượt qua hay sử dụng chúng như một cách để trở nên trưởng thành hơn. Nắm bắt điểm yếu của mình! Chính chúng đã tôi luyện nên con người bạn ngày hôm nay!
(Theo magoosh)