(TNO) Các trường đại học (ĐH) ở châu Á tiếp tục lên ngôi trong Bảng xếp hạng 100 ĐH hàng đầu thế giới về kỹ thuật và công nghệ năm 2015-2016 do tạp chí Times Higher Education (Anh) công bố ngày 11.11.
Cụ thể, các ĐH châu Á chiếm tới 26 vị trí trong bảng xếp hạng, tăng từ con số 19 của năm ngoái. Times Higher Education chỉ ra Trung Quốc có số trường tăng từ 3 lên 6; Đài Loan và Hàn Quốc cũng có thêm một trường, lần lượt có 2 và 5 trường lọt vào bảng xếp hạng.
ĐH Quốc gia Singapore vẫn đứng đầu châu Á trong bảng xếp hạng trên, giữ vị trí 13, không đổi so với năm ngoái. Trong khi đó, ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhảy từ vị trí 21 lên vị trí 16.
Bảng xếp hạng còn cho thấy các ĐH Mỹ chiếm tới 6 vị trí trong tốp 10, với 3 vị trí đầu tiên lần lượt thuộc về ĐH Stanford (1), ĐH Công nghệ California (2) và Viện công nghệ Massachusetts (3). Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều trường nhất lọt vào bảng xếp hạng.
4 trong 11 quốc gia châu Âu – Anh, Pháp, Hà Lan và Thụy Điển – cũng có số trường lọt vào bảng xếp hạng bị giảm. Tệ hơn là Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan – mỗi nước chỉ có một đại diện trong bảng xếp hạng năm ngoái, lần lượt ở vị trí 99 và 100 – bị đẩy khỏi bảng xếp hạng năm nay. Chỉ có Đức là quốc gia châu Âu duy nhất có thêm một đại diện trong bảng xếp hạng, chiếm 7 vị trí.
Bảng xếp hạng 100 ĐH hàng đầu thế giới về kỹ thuật và công nghệ của Times Higher Education được bình chọn dựa trên các yếu tố: giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và danh tiếng trên thế giới.Sự thay đổi về sức mạnh giáo dục ĐH đang hướng về châu Á như trên phản ánh sự thành công của những cải cách giáo dục được áp dụng ở khu vực trong 2 thập niên qua, theo bà Alessia Lefébure, tác giả của cuốn sách Asia: The Next Higher Education Superpower? (Châu Á: Siêu cường giáo dục đại học kế tiếp?), vừa được xuất bản bởi Viện nghiên cứu Giáo dục quốc tế (Mỹ) và tổ chức hỗ trợ giáo dục nước ngoài của Mỹ AIFS.
Bà Lefébure khẳng định những trường tốt nhất được tìm thấy ở những quốc gia có chính quyền địa phương và chính phủ hỗ trợ các đại học bằng các chính sách đẩy mạnh sáng tạo, tạo điều kiện chuyển giao kiến thức từ đối tác nước ngoài.“Ngày nay, hầu hết các quốc gia châu Á cấp kinh phí đạo tào hàng ngàn tiến sĩ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Điều này sẽ có tác động tới các ngành công nghiệp và nền kinh tế ở châu Á trong 30 năm tới”, Times Higher Education dẫn lời bà Lefébure nhận định.