Đại học Toronto là một trong những trường lớn nhất xuất hiện trong cuốn Fiske Guide và cũng là một trong những đại học lớn nhất thế giới. Nếu có ngôi trường nào dành riêng cho những người tham vọng, thì chính là nơi đây. Không có không khí học thuật kiểu Mĩ, sinh viên UoT giải trí bằng cách khám phá thành phố. Toronto là một trong những đô thị đa dạng và hiện đại nhất thế giới, với gần ½ dân số sinh ra ở ngoài lãnh thổ Canada.
Sinh viên Đại học Toronto có thể tránh cảm thấy lạc lõng bằng cách tham gia hệ thống trường kí túc độc đáo, cho phép họ kiến tạo trải nghiệm giáo dục của bản thân dựa trên chính cá tính của mình. Mỗi trường kí túc lại có đặc sắc riêng, nhưng vẫn hòa hợp với không khí học thuật chung của cả trường. Nói tới học thuật, một sinh viên năm tư nhận xét, “Sinh viên UoT thường đứng đầu lớp cấp ba và rất cạnh tranh – hơn hẳn sinh viên những trường ở Queen’s hay York.”
Đại học Toronto lớn đến nỗi nó có ba khuôn viên riêng. Khuôn viên St. George nằm ở trung tâm Toronto có kiến trúc kiểu Gothic và các tòa nhà cổ kính. Các khuôn viên ở ngoại ô Mississauga và Scarborough có các công trình hiện đại hơn. Các cơ sở vật chất khác bao gồm Trung tâm Thể thao Cường độ cao Goldring và Trung tâm Nhận thức và Giờ Sinh học, nơi các nhà khoa học nghiên cứu ảnh hưởng của chu trình giấc ngủ đối với việc học tập cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần.
Sinh viên đăng kí tuyển sinh trực tiếp vào một trong chín trường nhỏ của Đại học Toronto, bảy trường trong số đó nằm ở khuôn viên St. George. Sinh viên Mĩ được trường nhận thường tốt nghiệp cấp ba, có kết quả SAT hay ACT (bao gồm cả phần thi viết luận) cùng hai môn SAT II hoặc AP/IB trong các môn học phù hợp. Sinh viên được yêu cầu điểm SAT trên 1700 (trên thang 2400) và điểm ACT trên 26; nhưng nhiều chương trình đào tạo yêu cầu cao hơn. Bất cứ phần nào dưới 500 điểm trong SAT hoặc SAT II đều không được chấp nhận. Các môn học quan trọng đều nên ở trình độ lớp 12. Các chuyên ngành phổ biến nhất của sinh viên trường bao gồm nghệ thuật, khoa học, thương mại, kĩ thuật, và thể dục và sức khỏe. Chương trình giáo dục liên kết cho phép sinh viên hệ cử nhân hoàn thành các yêu cầu học thuật để lấy bằng cử nhân, chứng chỉ giảng dạy chuyên nghiệp, và một bằng cử nhân thứ hai cùng lúc.
Trong hệ Khoa học và Nghệ thuật, sinh viên có thể chọn theo học các môn mình hứng thú từ hơn 300 chương trình đào tạo và hơn 4000 môn đa dạng bao gồm các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, kinh doanh. Các lựa chọn nổi bật bao gồm Cộng đồng Giáo dục Năm nhất, Du học Hè, và nhiều cơ hội nghiên cứu. Các chuỗi hội thảo năm nhất, tối đa 24 sinh viên, cũng là “bước chuyển tiếp từ cấp ba lên đại học,” một sinh viên năm cuối cho biết, và mang tới cho các tân sinh viên cơ hội phát triển tư duy phản biện, hùng biện và viết lách, cũng như thân thiết hơn với bạn bè, giảng viên, giảng viên khách mời và các học giả thỉnh giảng khác. Hệ Nhạc của UoT có tuổi đời lâu nhất ở cả Canada và có chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Cũng giống như kích cỡ của trường, nguồn kinh phí đài thọ của Đại học Toronto là lớn nhất Canada.
Các môn học đều yêu cầu thời gian đọc bài bên ngoài giờ giảng và nhìn chung đều khó. “Trong tuần kiểm tra hoặc thi cuối mỗi kì, không khí học tập của trường, một cách dễ hiểu, có thể trở nên căng thẳng,” một sinh viên năm cuối cho biết. Các lớp với sĩ số lớn đều có thời gian hướng dẫn theo nhóm nhỏ, tạo điều kiện để giảng viên quan tâm tới từng sinh viên. Giáo sư của trường được đánh giá cao về kĩ năng sư phạm và kiến thức chuyên ngành. “Ngay cả trong các lớp học lên tới 1500 sinh viên, giáo sư cũng luôn thu hút và hiểu biết,” một sinh viên nhận xét.
“Sinh viên Đại học Toronto tới từ khắp nơi trên thế giới và đại diện cho vô số giá trị và hoàn cảnh khác nhau,” một sinh viên nhân chủng học chia sẻ. Đại học Toronto rất đa dạng và cộng đồng sinh viên trường nhìn chung thông minh, tiến bộ và có tư duy thoáng. 21% sinh viên nhập học tại trường là người nước ngoài, và vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại đây bao gồm “học phí, bất bình đẳng tiền lương, môi trường, và công lí xã hội,” một sinh viên cho biết. Nhóm Nghiên cứu Lợi ích Công chúng Ontario và Ân xá Quốc tế thu hút nhiều người theo dõi. Trường không có học bổng dành cho vận động viên.
Khoảng 15% sinh viên Đại học Toronto sống trong các khu nhà của trường; sinh viên năm nhất được đảm bảo chỗ ở. “Có các tòa nhà cũ lẫn mới nhưng đều đẹp,” một sinh viên chuyên ngành nhân chủng học cho biết. “Chúng đều rất ấm cúng, thoải mái và được bảo trì thường xuyên.” Toàn bộ kí túc xá đều được liên kết với chín trường cử nhân nhỏ, có vai trò là các “khu địa phương” và tập trung vào các lĩnh vực đặc biệt, bao gồm Phật giáo, nghiên cứu văn hóa Celt, và tội phạm học. “Tất cả nhà ăn đều luôn sẵn sàng phục vụ các lựa chọn chay, thuần chay, kiểu Ả Rập, kiểu Do Thái, không gluten hoặc không sữa,” một sinh viên năm ba nhận xét. “An ninh trường học khá tốt, và khuôn viên trường cũng nằm trong khu vực ổn định của thành phố Toronto,” một sinh viên chuyên ngành đạo đức sinh học chia sẻ.
“Cuộc sống xã hội tại đây xoay quanh thành phố nhộn nhịp,” một sinh viên xã hội học và văn học Anh cho biết. Một sinh viên khác bổ sung, “Các sự kiện xã hội cân bằng giữa các quán rượu, câu lạc bộ, sân trượt băng, sảnh tiệc và sân vận động bên ngoài trường, với các quán rượu, không gian sự kiện ở Nhà Hart, và các phòng sinh hoạt sinh viên bên trong trường.” Toronto đa dạng về văn hóa, có nhiều lựa chọn mua sắm tuyệt vời và có cuộc sống về đêm sạch sẽ, an toàn – ngoài ra bờ hồ Ontario tuyệt đẹp cũng rất dễ chịu vào thời tiết ấm. “Trường không có nhiều văn hóa tiệc tùng, bởi chúng tôi tập trung hơn vào học hành,” một sinh viên chia sẻ. Sinh viên trường thường tập trung để kỉ niệm PRIDE, sự kiện tôn vinh cộng đồng LGBTQ lớn nhất ở Bắc Mĩ, và Frosh Week, bao gồm các hoạt động vui nhộn như đua giường giữa các trường, và vũ hội Fireball hàng năm.
Thể thao không phải là một phần quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt của sinh viên Toronto, mặc dù khúc côn cầu, bóng chuyền và bóng rổ nằm trong số những môn thể thao thi đấu thu hút nhiều người theo dõi, đặc biệt khi đối thủ của trường là Đại học Queen’s University hoặc Đại học Western Ontario. Thể thao nội bộ, tuy vậy, lại là một câu chuyện khác. Thể thao nội bộ Toronto lớn nhất cả Canada, có tới hơn 10000 sinh viên trong 26 môn thể thao và 57 giải đấu hàng năm. Các kí túc xá hay các nhóm bạn đều thi đấu với nhau ở mọi thứ từ cầu lông tới bóng chày trong nhà, polo nước, squash, ba môn phối hợp, và Frisbee. Sinh viên trường cũng thường cổ vũ cho các đội tuyển chuyên nghiệp của thành phố, bao gồm đội Blue Jays (bóng chày), Raptors (bóng rổ), và Maple Leaf (khúc côn cầu).
Điểm đặc biệt nhất của Toronto, kích cỡ khổng lồ của nó, cũng có thể chính là điểm mạnh tuyệt vời nhất, sinh viên thường nói – miễn là họ học cách phát biểu ý kiến của mình và chủ động tận dụng tất cả nguồn lực của trường. “Một sinh viên tiềm năng nên chọn Đại học Toronto bởi sự danh giá của trường về mảng học thuật cũng như vị trí thuận tiện ngay giữa trung tâm thành phố Toronto,” một sinh viên năm cuối chia sẻ.
Nguồn: Fiske Guide