UNIVERSITY OF CHICAGO (#6 NU)

Đại học Chicago thu hút các sinh viên hào hứng muốn khác biệt với sự đơn điệu của cấp 3 và sự câu nệ của các trường Ivy League danh giá – điều họ quan tâm là việc học tập thật sự, thay vì chỉ kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp, dù họ thừa khả năng làm điều đó. ““Đời sống tri thức” rất quan trọng ở đây,” một sinh viên cho biết. “Việc học vượt ra ngoài khuôn khổ lớp học, và phần lớn mọi người thích nó như vậy.” Tuy vậy, ban quản lí trường cũng nhận ra rằng trong thế kỉ 21, ngay cả những đại học hàng đầu cũng không thể chỉ dựa vào kiến thức lí thuyết suông. Do đó, để trở nên thu hút hơn nữa, trường đã mở rộng Chương trình giảng dạy Cốt lõi, phát triển các chương trình du học và tư vấn nghề nghiệp, và xây dựng nhiều cơ sở vật chất mới. Kết quả? Chính là số hồ sơ đăng kí và nhập học tăng mạnh. Một sinh viên năm nhất cho biết, “Việc học ở một ngôi trường không quá nặng nề về học thuật làm chúng tôi vui hơn nhiều.”

Khuôn viên trường rộng 87 ha rợp bóng cây xanh, toạ lạc ở vùng Hyde Park, một cộng đồng độc đáo phía Nam thành phố Chicago, bao quanh 3 phía trường là các khu dân cư và phía còn lại là hồ Michigan. Một trong 77 khu dân cư của thành phố, Hyde Park “có dân trí cao”, một sinh viên cho biết, “⅔ giảng viên của trường sống gần đây.” Đường phố được phủ đá nâu, hai bên đường là các dãy nhà, càng về gần hồ lại càng có nhiều toà nhà cao tầng để ngắm cảnh. Bảo tàng Khoa học và Kĩ thuật của thành phố cũng ngay gần trường. Khuôn viên trường có đủ mọi thứ sinh viên cần, và được xây rất lộng lẫy. Các toà nhà chính được thiết kế theo phong cách Gothic màu xám sắt, được trạm trổ kì công kiểu Pháp – trong khi các toà khác được thiết kế bởi các kiến trúc sư như Frank Lloyd Wright, Eero Saarinen, Mies van der Rohe, và Edward Durrell Stone. Thư viện Regenstein (được biết đến dưới tên Toà Reg) là bảo vật quốc gia, cũng là biểu tượng toạ lạc giữa trung tâm trường. Ngay cạnh đó là thư viện Mansueto, một toà nhà có vòm bán nguyệt với hàng triệu đầu sách được lưu trữ dưới mặt đất, được đưa lên bởi một cánh tay robot dài 15m. Trung tâm Nghiên cứu Eckhardt mới xây rộng 25734 m2 bao gồm các phòng hội thảo, phòng thí nghiệm, văn phòng, và là nơi giảng dạy chương trình kĩ thuật nguyên tử mới của trường.

Đại học Chicago vốn nổi danh với chương trình giảng dạy sau đại học, nhưng vài năm gần đây ban quản lí trường nhận ra họ cũng cần quan tâm tới hệ cử nhân nếu UChicago muốn cạnh tranh thành công với các đại học khác như Stanford, Harvard hay Princeton. Bởi vậy, trường trung thành tuyệt đối với phương châm cho rằng nền tảng giáo dục khai phóng vững vàng sẽ là hành trang tốt nhất khi sinh viên học cao lên hoặc tìm việc làm. Do đó, sinh viên âm nhạc học nhạc lí, nhưng cũng đồng thời học đại số giống tất cả mọi người khác. Bất kể chuyên ngành gì, 15 đến 18 trong số 42 môn mỗi sinh viên học là các môn kiến thức cơ bản bắt buộc được gọi là Common Core (cốt lõi chung), một trong những nhóm môn toàn diện nhất được giảng dạy ở bất kì đâu. (Số môn cụ thể trong nhóm Common Core này phụ thuộc vào việc từng sinh viên cần học đến chừng nào để thành thạo thêm 1 ngoại ngữ)

Các yêu cầu chung khác bao gồm môn học trong lĩnh vực khoa học và toán, nhân văn, khoa học xã hội, và khoá nghiên cứu một nền văn minh nhất định. Trường cũng yêu cầu sinh viên tham gia chuyên đề viết lách. Nghe căng thẳng ư? Đúng là như vậy, sinh viên cũng đồng ý, đặc biệt bởi UChicago là trường tiên phong sử dụng hệ thống kì học theo quý, và khối lượng bài vở tập trung trong 3 tuần một, kì đầu tiên bắt đầu cuối tháng 9 và kết thúc vào giữa tháng 12. Do đó, trong thực tế, điều này đồng nghĩa với việc học tập không ngừng nghỉ suốt cả năm, chỉ được tạm dừng vào kì nghỉ dài mùa hè và 3 tuần thi cử. Một sinh viên năm cuối cho biết, “Với khối lượng kiến thức nặng như vậy, việc quản lí thời gian rất quan trọng. Tuy nhiên một khi đã vào guồng rồi, thì mọi thứ vẫn xoay xở được (dù vẫn căng thẳng).” Sinh viên năm tư cũng được khuyến khích thực hiện các dự án năm cuối. Các lớp học đều khá thân mật; 78% lớp có sĩ số tối đa là 20 người, được giảng dạy bởi các giảng viên xuất sắc hàng đầu đã từng nhận giải Nobel, Guggenheim và hàng loạt giải thưởng danh giá khác. Giáo sư ở đây “mong đợi rằng chất lượng bài của bạn ở trình độ rất cao, vậy nên nhiều bài tập sẽ tốn nhiều thời gian hoàn thành hơn ở các trường khác,” một sinh viên khoa toán cho biết.

Khoa kinh tế học, nơi tập hợp giới trí thức ủng hộ chủ nghĩa tân tự do và thiên hướng New Right, là điều đã khiến mảng học thuật UChicago trở nên nổi tiếng. Các chuyên ngành phổ biến của sinh viên trong trường bao gồm kinh tế học, khoa học sinh, toán, khoa học chính trị, và văn học Anh. Trường cũng tự hào về các chương trình đào tạo liên ngành, đa lĩnh vực, ví dụ như chương trình tập trung vào các nước Đông Á, Nam Á, Trung Đông, và các nước Slavic. Sinh viên hệ cử nhân của trường có thể tham khảo các trường nghề và trường sau đại học của UChicago – về các lĩnh vực luật, thần học, dịch vụ xã hội, chính sách công, nhân vă, khoa học xã hội, khoa học sinh và lí, và kinh doanh. Noi gương các cựu học sinh như Mike Nichols và Elaine May, sinh viên có thể chọn ngành sân khấu và nghiên cứu biểu diễn. Chương trình Học giả Y khoa Tăng tốc cho phép các sinh viên xuất sắc hệ cử nhân bắt đầu học trường y trong năm thứ 4. Ngành kĩ thuật nguyên tử liên môn – chuyên ngành kĩ thuật hệ cử nhân đầu tiên của trường – tập trung vào việc “giải quyết các vấn đề xã hội ở cấp độ nguyên tử”; sinh viên nghiên cứu sâu vào các chủ đề như bảo tồn nguồn nước, vi tính lượng tử, nỗ lực cải thiện công nghệ nano, tiến bộ về kĩ thuật kháng thể sinh học.

Sinh viên UChicago có nhiều cơ hội làm trợ lí nghiên cứu và xuất bản nghiên cứu, kể cả trước khi tốt nghiệp. Qua chương trình Thực tập Jeff Metcalfe, sinh viên có thể tiếp cận hơn 1,700 kì thực tập được tài trợ toàn phần dành riêng cho sinh viên UChicago. Các chương trình thực tập chính thống cũng có ở phòng Thí nghiệm Quốc gia Argonne và trung tâm Fermilab, đều nằm ở vùng ngoại ô gần đó và điều hành bởi UChicago kết hợp với Bộ Năng lượng Mĩ, cũng như ở phòng Thí nghiệm Sinh Hải dương học ở Woods Hole, bang Massachusetts liên kết với trường. Khi Chicago trở nên lạnh lẽo hay nhiều tuyết quá, sinh viên có thể tận dụng các chương trình du học ở gần như tất cả mọi nơi trên thế giới, bao gồm việc nghiên cứu ở các trung tâm của trường ở Hong Kong, Bắc Kinh, Delhi và Paris. Hỗ trợ tài chính cũng được áp dụng cho các chương trình này. 45% sinh viên của trường tham gia du học.

“Sinh viên UChicago hiểu biết, đam mê, và có nhiều hứng thú đặc biệt đa dạng,” một sinh viên năm ba cho biết. “Thứ gắn kết cộng đồng sinh viên trường lại gần nhau chính là tình yêu dành cho giáo dục và có lẽ là một chút lập dị kiểu thông minh, bắt nguồn từ tình yêu với Plato hoặc ám ảnh với Thuyết Vụ nổ Big Bang chẳng hạn.” 74% sinh viên hệ cử nhân của trường tới từ ngoại bang, bao gồm nhiều sinh viên bờ Đông với bố mẹ trí thức; 11% khác là sinh viên quốc tế. Trong tổng sĩ số trường, 17% là người Mĩ gốc Á, 9% là người tới từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha, và 5% là người Mĩ gốc Phi. Sinh viên UChicago rất nhanh nhạy trong việc thể hiện quan điểm và liên kết đồng minh về các vấn đề chính trị. “Sẽ tốt hơn nếu không khí chính trị trong trường bớt căng thẳng đi một chút,” một sinh viên phàn nàn. Theo triết lí giáo dục của UChicago, sự kiện này từng được cả nước quan tâm vào mùa thu 2016, các tân sinh viên sắp nhập học nhận được một bức thư, viết rằng trường sẽ không cảnh báo trước về việc nội dung tài liệu giảng dạy có thể gây khó chịu, cũng như không có gì là quá nhạy cảm để trao đổi trong trường, và không được phép huỷ bỏ lời mời các diễn giả gây nhiều tranh cãi tới trường. Quy trình tuyển sinh của UChicago không xét tình trạng tài chính của ứng viên; trường cam kết đáp ứng 100% nhu cầu nếu ứng viên được nhận. Chương trình Không Chướng ngại của trường loại bỏ các khoản vay khỏi gói hỗ trợ tài chính, thay vào đó là tiền học bổng; ứng viên nào xin hỗ trợ tài chính thì không cần đóng lệ phí tuyển sinh đầu vào. 

UChicago đảm bảo chỗ ở trong vòng 4 năm cho sinh viên, và 52% sinh viên hệ cử nhân sống trong kí túc xá. “Mỗi tân sinh viên đều sống trong một Nhà,” họ giải thích. “Nhà ở đây giống ở Hogwarts ở chỗ sinh viên rất trung thành với Nhà của mình, và giữa các Nhà với nhau có cạnh tranh nữa.” Tất cả kí túc xá đều không phân biệt giới tính, mặc dù một vài kí túc có các tầng riêng theo giới, và mỗi toà đều khác hẳn nhau – có nhà ít hơn 100 người với các phòng đôi truyền thống không có bếp; trong khi có nhà có tận 700 giường trong các phòng suite rực rỡ sắc màu. Khu sinh hoạt chung Campus North, với cơ sở nhà ăn riêng, đã thay thế vài toà căn hộ ngoài trường rải rác trong khu vực. Đây là một phần của chiến dịch dài hạn nhằm cung cấp nhiều chỗ ở trong trường hơn. Tuy vậy, “Hyde Park cũng có rất nhiều căn hộ rẻ và xinh xắn,” một sinh viên chia sẻ, vậy nên nhiều sinh viên “tư duy độc lập” chuyển ra ngoài sống. “Khuôn viên trường rất an toàn,” một sinh viên cho biết. “Trường không những có đội cảnh sát riêng, mà các nhân viên an ninh UChicago còn được bố trí quanh khu vực để tăng cường độ an toàn.” 

Không khí cộng đồng ở UChicago rất phong phú, một sinh viên năm cuối cho biết. “Luôn có hoạt động gì đó ở xung quanh trường, dù là biểu diễn sân khấu hay show nhạc capella, nhưng thành phố UChicago mới chính là sân sau của UChicago, và sinh viên luôn không ngừng khám phá nó.” Thật vậy, thành phố có nhiều bảo tàng; các buổi trình diễn hoà nhạc, opera, nhảy danh tiếng thế giới; nhóm hài kịch ứng tác Second City (được sáng lập bởi sinh viên cử nhân UChicago); thể thao chuyên nghiệp; cũng như rất nhiều quán bar và câu lạc bộ. Trường cho phép sinh viên sử dụng phương tiện công cộng miễn phí không giới hạn; và thẻ Arts Pass miễn phí/giảm phí vào cửa cho sinh viên tới các sự kiện văn hoá, nghệ thuật và sân khấu của thành phố. Xe hơi là một món xa xỉ nhưng sẽ hữu ích (nếu tìm được chỗ đỗ). Các chuyến du lịch phượt diễn ra khá thường xuyên, những địa điểm nổi tiếng nhất là Ann Arbor, cách trường khoảng 5 tiếng, nơi tổ chức nhiều hoà nhạc và các trò vui kiểu sinh viên truyền thống ở Đại học Michigan. 

Truyền thống là một điểm sáng của UChicago. Sinh viên luôn nhớ một cách thân thương về sự kiện định hướng năm nhất có tên O-Week, sự kiện mà ban quản lí trường khẳng định được sáng tạo ra vào năm 1934. Vào mùa đông, sinh viên tới sân trượt băng ở Midway, nơi tổ chức Hội chợ Thế giới năm 183 để chơi bóng vợt. Sinh viên cũng ăn mừng lễ hội Kuviasungnerk (viết tắt là Kuvia), có tuần lễ thể thao đường phố vào sáng sớm và các hoạt động khác, và kết thúc bằng sáng thứ 6 tập yoga bên hồ Michigan; cũng như Đua Gấu Bắc cực, nơi sinh viên chạy quanh các toà giảng đường. Mỗi mùa xuân, sinh viên lại mong ngóng tới sự kiện Săn Diều Hâu (còn được gọi là Scav), “một phiên bản kịch tính hơn của trò săn diều hâu thông thường, với hơn 300 đồ vật kì lạ,” một sinh viên xã hội học cho biết. Và khi hè tới, sinh viên lại “đấu vật Jell-O và chơi các hoạt động lễ hội khác” – một phần của hội Summer Breeze, bao gồm cả một buổi hoà nhạc. Và có một trò chơi được sinh viên hứng thú suốt cả năm: trò Con người đấu với Xác sống – trò chơi hàng quý diễn ra khắp khuôn viên trường, nơi mọi người chạy xung quanh, giả vờ là người hoặc xác sống cho đến khi chỉ còn một người còn sống,” một sinh viên giải thích.

Đội tuyển thể thao của UChicago đấu trong giải Division III; trường thuộc Liên kết Thể thao Đại học, có các đối thủ như Đại học Emory hay Đại học Washington ở St. Louis. Ngoài việc sút gôn và tập luyện bóng rổ, “ngay cả các tuyển thủ thể thao của trường cũng thuộc hội Phi Beta Kappa (nghĩa là rất thông minh) và tham gia sân khấu trường,” một sinh viên năm ba trầm trồ. Thật ra, điểm trung bình của các vận động viên ở trường cao hơn điểm trung bình của cả khối. Ngạc nhiên là đội bóng đá của trường đã thắng vài mùa giải. Các môn cũng rất mạnh của UChicago bao gồm tennis nam nữ, bóng rổ, việt dã, bóng chuyền nữ, và đấu vật và bóng đá nam. Còn về thể thao nội bộ, 70% sinh viên hệ cử nhân đấu trong các đội thể thao trường, từ các môn truyền thống (bóng đá, bóng chuyền) tới các môn mới hơn (khúc côn cầu nước biến thể, bóng vợt, hay bắn cung).

“Sinh viên UChicago thật sự rất đam mê các ý tưởng và việc học nói chung. Họ yêu thích việc được giảng và học tập từ người khác cũng như được thử thách bởi ý kiến của nhau,” một sinh viên hoá sinh cho biết. UChicago tiếp tục mở rộng cửa chào đón các sinh viên xuất sắc, những người biết lèo lái hệ thống và được nhận vào các trường Ivies hay nhiều đại học danh giá khác. Những sinh viên cử nhân của UChicago giờ hẳn đang vui vẻ và tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá hơn tiền thân của họ. Liệu trong quá trình ấy, UChicago có dần mất đi nét trí thức cá tính đã đưa trường lên tầm đặc biệt trong hệ thống giáo dục bậc cao của Hoa Kì hay không, sẽ vẫn là một dấu hỏi. 

Nguồn: Fiske Guide

Danh sách các trường Đại Học Mỹ