fbpx

Thông tin về kì thi TOEFL

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Ra đời từ năm 1964, bài thi TOEFL đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới và được chứng minh là chương trình hiệu quả và được ưa chuộng nhất trong việc đánh giá trình độ tiếng Anh của những người không phải là người bản xứ nói tiếng Anh đang tìm kiếm cơ hội học tập tại nhiều quốc gia tiên tiến. Hơn 5000 trường Đại học, cao đẳng và Học viện trên khắp thế giới hiện đang sử dụng TOEFL như là một tiêu chí tuyển sinh và xét học bổng của mình. Hàng năm có hơn 800.000 người đăng kí tham dự kì thi TOEFL quốc tế.

1. Điểm cải tiến của bài thi TOEFL iBT

Thi TOEFL iBT được thực hiện qua mạng Internet tại Trung tâm tổ chức thi tiêu chuẩn của ETS.

Bài thi này đánh giá cả 4 kỹ năng: nghe, đọc, viết và nói.
Mỗi kỹ năng kiểm tra sẽ gồm phần bài tập độc lập và bài tập kết hợp với các kỹ năng khác (tổng hợp các kỹ năng).
Phần Viết được mở rộng, yêu cầu thí sinh viết luận trên cơ sở những gì họ được nghe và đọc.
Được phép ghi lại ý chính, nháp… trong suốt quá trình kiểm tra.
Thời gian làm bài là 3 giờ
Thang điểm của bài thi : từ 0 – 120
Đánh giá trình độ tiếng Anh của thí sinh chính xác hơn.
Thủ tục đăng ký dự thi đơn giản, thông báo kết quả nhanh.
Tăng tần xuất các buổi thi, phương thức thanh toán lệ phí thi linh hoạt

2. Đối tượng dự thi

Những người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ, đặc biệt thích hợp với những người có trình độ từ lớp 11 trở lên.
Mục đích:
– Theo học chuyển tiếp tại các trường ĐH & CĐ có yêu cầu tiếng Anh
– Đánh giá trình độ tiếng Anh của bản thân

3. Đối tượng nhận kết quả thi

Hơn 5000 trường Đại học, Cao đẳng và các tổ chức cấp phép tại 90 quốc gia chấp nhận kết quả thi TOEFL iBT.
Mục đích:
– Một trong những điều kiện bắt buộc để tuyển sinh theo học tại trường
– Xét cấp học bổng

II. CẤU TRÚC BÀI THI TOEFL IBT

TOEFL iBT gồm có 4 phần với thời gian thi tổng cộng 3 giờ (chưa tính giải lao tùy ý)
Reading (30-40 items)
Listening (28-39 items)
Speaking (4 tasks)
Writing (2 tasks)
Câu hỏi và bài làm đều qua máy vi tính và thí sinh được phát giấy nháp để ghi chú nếu cần. Người phụ trách phòng thi sẽ check-in từng thí sinh một, download bài thi từ server của ETS xuống máy của thí sinh dưới dạng một Java applet, chạy thử OK mới check-in thí sinh khác. Do đó các thí sinh trong cùng một phòng thi có thời gian bắt đầu và chấm dứt khác nhau và có thể làm các phần khác nhau ở một thời điểm nào đó.

1. Reading

Phần này sẽ có 3-4 bài đọc, mỗi bài dài chừng 700 chữ, là những đoạn trích từ tài liệu học thuật ở cấp độ đại học với các chủ đề đa dạng: địa lý, lịch sử, nhân chủng học, xã hội học, khảo cổ học, thiên văn học, v.v… Nhìn chung, điều quan trọng nhất của phần thi này không phải là kiến thức mà là kĩ năng đọc. Thí sinh không cần phải biết trước về những chủ đề đó mới trả lời được câu hỏi, tất cả kiến thức đều có trong bài đọc. Nếu thí sinh nhận được bốn đoạn văn, một trong số đó sẽ là bài “thử nghiệm” và không tính điểm. Tuy nhiên, không có cách nào biết được hệ thống sẽ chấm bài nào, vì vậy thí sinh vẫn cần cố gắng làm tốt nhất có thể tất cả các bài đọc được cho.
 
Mỗi đoạn đọc chỉ có 10 câu hỏi, thay vì 12-14 câu như trước đây. Thời gian là 54 phút (3 đoạn) hoặc 72 phút (4 đoạn) để hoàn thành phần đọc. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có khoảng 18 phút cho mỗi bài và 1 phút 48s cho mỗi câu hỏi (thay vì khoảng 1 phút 40s như cấu trúc bài thi cũ). Ngoài ra, các bài đọc vẫn giữ nguyên độ dài, độ khó và các dạng câu hỏi giống như trước đây.

2. Listening

Trong phần này, thí sinh sẽ nghe:
  • 3 đến 4 bài giảng/tranh luận về 1 lĩnh vực học thuật.
  • 2 đến 3 cuộc hội thoại giữa hai học sinh hoặc học sinh với giáo sư/thủ thư/quản lý dorm/…, chủ đề thường là những vấn đề gặp phải ở đại học.

Bài giảng sẽ có 6 câu hỏi mỗi bài và bài hội thoại có 5 câu hỏi mỗi bài. Nếu thí sinh nhận được 4 bài giảng và 3 bài hội thoại, một trong những bài giảng và một trong những cuộc hội thoại sẽ không được chấm điểm. Tuy nhiên, thí sinh sẽ không biết được đó là bài nào.

Thời gian dành cho phần nghe là 41-57 phút, không bao gồm thời gian nghe audio. Điều này có nghĩa là thí sinh có khoảng 35 giây để trả lời từng câu hỏi.

Giống như phần Reading, các bài nghe cũng vẫn giữ nguyên độ dài, độ khó và các dạng câu hỏi giống như trước đây. Điều đáng chú ý là bài nghe của TOEFL yêu cầu bạn không chỉ có kĩ năng nghe hiểu tốt, mà kĩ năng ghi chép cũng như ghi nhớ cũng phải thuần thục, chính xác. Thí sinh sẽ không được biết câu hỏi hay các lựa chọn trước khi nghe xong, vậy nên, việc ghi chép lại ý chính cũng như các chi tiết là vô cùng quan trọng.

3. Writing

Tổng thời gian để hoàn thành phần Writing là 50 phút, yêu cầu thí sinh viết 2 bài:
  • Bài 1 tích hợp kĩ năng đọc, nghe và viết. Thí sinh sẽ được đọc một đoạn văn ngắn có nội dung học thuật, nghe một người trình bày quan điểm của họ (đồng ý/không đồng ý) với nội dung này, sau đó viết một bài văn tổng hợp, tóm tắt lại những gì mình đã đọc và nghe trong vòng 20 phút theo ngôn ngữ, ý hiểu của bản thân. Bài này chỉ cần 150-225 từ.
  • Bài 2 là bài viết độc lập, yêu cầu thí sinh viết một bài văn nêu ý kiến cá nhân của mình về một chủ đề nào đó và chứng minh nó bằng luận điểm, lập luận và dẫn chứng. Thời gian viết là 30 phút. Đây là câu hỏi yêu cầu thí sinh có kĩ năng viết văn nghị luận chắc chắn, mạch lạc, logic.
Phần Writing đòi hỏi kiến thức ngữ pháp chắc chắn, vốn từ vựng phong phú và thậm chí là cả kỹ năng đánh máy nhanh.

4. Speaking

Hiện tại, phần thi có 4 câu hỏi, bao gồm:
  • 1 câu hỏi độc lập về sở thích/quan điểm cá nhân. Thí sinh có 15 giây chuẩn bị và 45 giây trả lời.
  • 2 câu hỏi tích hợp kĩ năng đọc – nghe – nói: thường về 1 chủ đề trong trường đại học và 1 chủ đề học thuật. Thí sinh thường sẽ được đọc một đoạn văn ngắn (1 thông báo/1 bài giảng), nghe 1 cuộc hội thoại/1 bài giảng về vấn đề nào đó và tóm tắt lại những gì mình đã được nghe, được đọc. Thí sinh có 30 giây chuẩn bị và 60 giây trả lời cho mỗi câu hỏi.
  • 1 câu hỏi tích hợp nghe – nói, với chủ đề học thuật. Học sinh được nghe 1 cuộc hội thoại/1 bài giảng, sau đó tóm tắt lại những gì mình đã nghe, đồng thời đưa thêm ý kiến cá nhân liên quan. Thí sinh có 20 giây chuẩn bị và 60 giây trả lời.
Thời gian để hoàn thành phần thi nói là 17 phút (cho 4 câu hỏi), thay vì 20 phút (cho 6 câu hỏi) như ngày trước. Trước đây, điểm số phần Seaking của thí sinh được chấm bởi 2 người nhưng hiện tại, điểm được xác định bởi một người chấm và phần mềm SpeechRater. Bây giờ, giáo viên sẽ kiểm tra việc sử dụng ngôn ngữ và phát triển chủ đề còn phần mềm SpeechRater sẽ kiểm tra cách nói và phát âm của thí sinh. Các tiêu chí của một bài nói tốt bao gồm: nội dung đúng yêu cầu; cách nói (phát âm rõ ràng, nói trôi chảy); cách dùng từ, diễn đạt; cách triển khai ý. Đây được gọi là “Chấm điểm Speaking nâng cao” của ETS.

Để tìm hiểu và đăng ký xếp lớp các khóa học tại Summit, vui lòng điền thông tin tại

https://summit.edu.vn/huong-dan-dang-ky-tu-van-tai-summit/