fbpx

Thêm một nam sinh Việt giành học bổng toàn phần ĐH Harvard

Năm học này, Nguyễn Huy Trường Nam (quê gốc huyện Can Lộc) được nhận học bổng toàn phần vào Đại học Harvard. Em là người Hà Tĩnh đầu tiên được nhận vào học Harvard (Mỹ).
 

Nguyễn Huy Trường Nam, nam sinh người gốc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) hiện sinh sống cùng gia đình tại thủ đô Moscow (Liên Bang Nga), đã dành học bổng toàn phần Đại học Harvard (Mỹ).

Nguyễn Huy Trường Nam (quê nội ở xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, quê ngoại ở huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An) thừa hưởng được truyền thống hiếu học của gia đình khi có bố là anh Nguyễn Huy Tuấn – nguyên cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam và mẹ là chị Trần Thị Minh Huệ, cựu học sinh chuyên Toán trường Chuyên Phan Bội Châu.

Trường Nam (thứ ba bên tay trái) giao lưu cùng các bạn học sinh nước ngoài.

Chị Huệ từng tâm sự, cứ mỗi lần con thay đổi địa điểm học tập là một lần chị buộc phải thay đổi công việc. Hành trình “học cùng con” của chị Huệ được xem là trường kỳ. Với chị, nhìn thấy con ngoan, học giỏi thì mọi khó khăn với chị và gia đình từ khó hóa ra dễ.

Ngay từ đầu, quan điểm của chị Huệ với con cái là luôn lấy cái học làm đầu, có học vấn thì mọi khó khăn đều giải quyết được ổn thỏa. Xác định, kinh doanh trong lĩnh vực may mặc và quần áo tại nước bạn xa xôi không hề đơn giản, nhưng không vì kinh doanh bộn bề mà xa rời nhu cầu, sở thích và đam mê của con cái, nhất là học hành của con phải luôn ưu tiên hàng đầu.

Ngoài học giỏi ra, Nam còn là một người có nhiều năng khiếu về nghệ thuật.

Những năm học phổ thông, Trường Nam luôn là học sinh gương mẫu, có thành tích học tập xuất sắc ở trường. Luôn nhận những giải thưởng lớn (hơn 100 giải thưởng), trong đó có những giải thưởng lớn như giải lập trình mở rộng khối các nước Liên Xô cũ, 3 lần đạt giải nhì giải Toán toàn Nga.

Những giải thưởng lớn đã đưa Nam lên nhóm những học sinh xuất sắc nhất toàn Liên bang Nga và đấy chính là điều kiện để Nam được tuyển vào học hệ chuyên tại Đại học Tổng hợp Lomonosov (trường đại học số 1 nước Nga) và xếp thứ 27 thế giới về uy tín, danh tiếng. Trong thời gian học phổ thông, Nam đã từng được mời tham gia báo cáo khoa học tại CHLB Đức.

Những năm tháng phấn đấu học tập là nền tảng đưa Trường Nam đến với cánh cửa Harvard lừng lẫy. Trong những đợt sát hạch cam go, điểm sát hạch lần 1, Nam đạt 2.380 điểm/tổng 2.400 điểm; điểm sát hạch lần 2 đạt 2.400 điểm/tổng 2.400 điểm; điểm tiếng Anh đạt 111/120 theo thang TOEFL…

Những con điểm ấn tượng đã giúp Nguyễn Huy Trường Nam dành học bổng toàn phần là 69.000 đô la/năm tại 4 trường Đại học của Mỹ gồm Harvard, Princeton, Columbia và Caltech. Nam đã quyết định lựa chọn Đại học Harvard, đại học danh tiếng bậc nhất thế giới với chuyên ngành lập trình.

Cuối cùng bao năm đèn sách, mơ ước là tân sinh viên Đại học Harvard của cậu học trò Nguyễn Huy Trường Nam người gốc Hà Tĩnh đã thành hiện thực. Vào đầu tháng 9 tới, Nam sẽ chính thức nhập học. Dù rằng áp lực phía trước sẽ vẫn còn hết sức nặng nề bởi cơ chế sàng lọc hàng năm đặt ra cho mọi sinh viên của Đại học Harvard là rất cao. Với tâm niệm, hứa với bản thân mình, bố mẹ, sẽ đem vinh quang về cho quê hương nên Nam sẽ cố gắng học tập thật tốt.

Dù sinh ra và lớn lên trên xứ sở Bạch Dương, dù nói tiếng Nga và tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt nhưng những giá trị cốt lõi của quê hương Can Lộc, của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu nổi tiếng vẫn luôn là niềm tự hào, thôi thúc Nguyễn Huy Trường Nam phấn đấu.

Một điều mà khi được trò chuyện với Nam chúng tôi dễ nhận thấy, em không chỉ là một con “mọt sách” với thành tích học tập đáng nể, Nam còn là người luôn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Chính Nam là người khởi xướng và trực tiếp truyền thụ kiến thức công nghệ thông tin cho các thành viên CLB tin học gồm con em đồng hương Hà Tĩnh tại Moscow.

Nói về cậu tân sinh viên Harvard người Hà Tĩnh, ông Hồ Sỹ Huy – Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh ở Moscow luôn dành những tình cảm đáng quý cho Nam và gia đình.

Trong các hoạt động sinh hoạt đồng hương, anh em Nam luôn là hạt nhân văn nghệ. Yêu âm nhạc, chơi đàn Piano giỏi, Nam thậm chí còn biết nấu cả những món ăn Việt Nam mà chính em tâm sự là do bố mẹ hướng dẫn như một cách để không quên cội nguồn.

(Theo Trương Hoa, Long Nguyễn/Infonet)