Luyện thi IELTS – Phần thi nghe

Hiện nay, theo mình được biết, đa phần các trung tâm tiếng Anh hay thậm chí các gia sư tiếng Anh cũng như luyện thi IELTS nói chung đều hướng dẫn bạn 2 kĩ năng viết và nói là chính. Bởi vì đây là hai kĩ năng thuộc chủ động nên có thể hướng dẫn để thay đổi. Kĩ năng nghe thì thường là chỉ giao bài về làm, sau đó chữa, mà không hề có những lời khuyên, hướng dẫn chi tiết trong việc học nghe. Hoặc khá hơn thì có thể là cho làm 1 bài test IELTS ngắn trên lớp, rồi cũng chỉ đọc câu đáp án. Việc tiếp cận học nghe gần như là khó, lí do mình sẽ phân tích ở dưới. (ở bài viết này chỉ nói tới vấn đề chung, không mang tính áp đặt cho bất kỳ giáo viên hay trung tâm nào)

NGUYÊN NHÂN KHÓ TIẾP CẬN LUYỆN NGHE TẠI LỚP?

Trả lời cho câu hỏi này, các bạn có thể hiểu chung thế này.

Tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có 2 nhóm kĩ năng (thực chất gồm 4 kĩ năng) là in-put và out-put. Out-put là kĩ năng đầu ra, gồm có viết và nói – writing và speaking. Hai kĩ năng này giáo viên có thể can thiệp bằng cách dạy kiến thức, cho tập luyện, sai thì sẽ sửa, tiến bộ dần dần. Hai kĩ năng này tiến bộ không thể nhanh được, nên việc nói học cấp tốc 2,3 tháng mà lên được 6.5 hay 7.0 mà không có nền tảng vững rồi (thường là người đã 6.0 hay đạt sẵn 6.5 rồi) đều là những lời theo mình nghĩ là khó tin một chút.

Kĩ năng thuộc nhóm còn lại thụ động là kĩ năng nghe và đọc – listening và reading. Hai kĩ năng này ngoài việc tự bản thân tiếp nhận thông qua quá trình tự rèn luyện thì nếu chỉ trông đợi vào các tips, mẹo vặt vãnh của giáo viên thì không thể khá hơn được, thường sẽ có thể đạt điểm lúc đó, nhưng nhanh chóng sẽ lại kém bởi không có cái nền tảng.

Việc học listening trên lớp thì cũng có thể coi là hơi phí phạm thời gian, bởi thời gian đó đáng lẽ các bạn có thể được chữa bài kĩ, được tập speaking (tất nhiên lớp đông thì cũng hơi khó). Listening thì nên được cho bài về làm, nhưng nhiều bạn có nói, làm mãi mà cũng chẳng lên, theo mình đó là do việc học listening của các bạn có thể là chưa đúng chiến thuật và các bạn nên xác định tự học nghe ở nhà.

TẠI SAO TÔI NGHE NHIỀU MÀ KHÔNG THẤY LÊN?

Thực tế là, nghe nhiều không phải là cách hay và duy nhất để các bạn nâng điểm môn nghe hay tăng khả năng nghe thực sự. Việc nghe tốt có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc này, mình sẽ phân tích ở dưới đây:

1. PHÁT ÂM

Phát âm (pronunciation) của nhiều bạn là chưa thực sự tốt, đặc biệt là các bạn chưa có điều kiện tiếp cận tiếng Anh từ sớm. Trong khi đi học trung tâm, số lượng đông hay thậm chí không đông, giáo viên thường không chú ý tới việc cải thiện pronunciation của các bạn. Nhiều giáo viên cũng quan niệm lấy điểm môn này bù môn kia nên thường ép các bạn nghe và làm bài nghe nhiều, tập trung vào đọc và viết, bù cho speaking, mà speaking thì mới cần pronunciation. Điều này cũng là một quan niệm đúng của giáo viên. Nhưng mình thì tin rằng, việc dạy qua về pronunciation là cũng cần thiết không kém trong việc trang bị cho bạn các ngữ pháp, từ vựng,…

Việc luyện ngữ âm là điều cực kỳ cần thiết, tối thiểu nhất các bạn cần luyện được pronunciation, tức là phát âm tốt các âm cơ bản. Việc phát âm không tốt dẫn tới việc các bạn không phân biệt được các âm, các bạn phát âm theo cách của bạn, không đúng với người bản xứ. Có thể lấy ví dụ rõ ràng nhất là, khi bạn không thuộc một vùng nào đó, khi các bạn tới nơi đó, việc nghe người bản xứ nói là không dễ, cho dù ngôn ngữ mà bạn và họ đang dùng là tiếng Việt. Có rất nhiều ví dụ trong sự nguy hiểm của phát âm sai dẫn tới hiểu sai nghĩa, điều này cũng tương tự với việc các bạn nghe thôi, mình và người nói không có chung quy ước về phát âm thì cũng khá là khó trong việc hiểu nhau.

Chưa kể, nếu không biết những quy tắc chung của Phonetics thì các bạn cũng khó mà nghe được tốt khi người ta nói nối âm, nói lướt, đọc các âm cuối, dẫn tới việc bạn chẳng hiểu người ta nói gì cả. Trong khi đó, nhiều câu trong IELTS, người ta cố tình nói bằng các thủ pháp đó để nhằm tạo ra độ khó cho bài nghe. Hi vọng, sắp tới mình sẽ làm một loạt bài học về pronunciation và phonetics để các bạn có thể theo dõi nhé, mong rằng vốn kiến thức hạn hẹp của mình về phần này sẽ giúp các bạn một phần nào đó.

2. TỪ VỰNG

Từ vựng là một điều rất quan trọng trong mọi kĩ năng của tiếng Anh, không riêng gì với listening. Việc từ vựng kém thì đúng là lí do để điểm của các bạn không cao. Nhưng thực tế, nếu chỉ xoay quanh IELTS, từ vựng trong bài nghe của IELTS thực tế là không quá khủng đâu, các bạn có thể đọc một tape scripts trong bộ đề Cambridge để hiểu điều này.

Vốn bản thân IELTS có chủ đề cũng khá tổng quát, nhất là ở sessions 1,2,3 chủ đề khá gần gũi. Ở session 4 thì chủ đề đã bắt đầu bước vào mức độ học thuật khá cao, đây thường là một phần của bài giảng (lecture) nào đó. Tuy nhiên thường thì trong các buổi dạy này, các giáo sư cũng ít sử dụng từ vựng quá cao siêu (nếu có họ cũng sẽ giải nghĩa). Mình nhận ra là các bài nghe ở phần 4 này thường là các bài nghe ở phần học “đại cương” như đại học mình thôi, nếu bước vào chuyên ngành thì từ vựng sẽ rất khủng.

Một ngộ nhận nữa mà nhiều người gặp phải trong vấn đề từ vựng này, đó là, các bạn thường nghĩ, có thể nhận biết mặt chữ của nhiều từ vựng, biết nghĩa tiếng Việt của nó là có vốn từ rộng, khủng và điểm nghe chắc sẽ cao. Tuy nhiên, nắm 1 từ vựng không phải chỉ thế, cái mà bạn cần là phải nắm được cách đọc của nó, phát âm ra sao, trọng âm thế nào, dự đoán khi đọc trong câu nó sẽ thế nào. Có thế bạn mới nghe được nó, nói được nó chứ. Ngoài ra thì nên nắm được cả giải nghĩa của nó trong các từ điển Anh-Anh truyền thống (như Oxford, Longman, McMillan, Cambridge). Điều này lại quay lại vấn đề ngữ âm rồi nhỉ?

3. KHẢ NĂNG NGHE TRỌNG ÂM TRONG CÂU (SENTENCE STRESS)

Khả năng bắt từ, thường thì các giáo viên thường gọi nó là vậy. Khả năng này có nghĩa là, trong một câu dài hoặc nói nhanh, các bạn rất khó có thể nghe bắt kịp tất cả các từ, chúng ta thường chỉ kịp nghe một lượng từ nhất định, và nhớ một lượng từ nhất định, sau đó chúng ta sẽ đoán nội dung câu đó, đoạn đó. Đó chính là khả năng bắt từ và từ được bắt đó chính là key words. Thường thì trong IELTS, mình thấy, các từ key words để trả lời này có lúc được nhấn mạnh hoặc lên giọng. Do đó hiểu về sentence stress và luyện nghe trọng âm trong câu là rất cần thiết.

Nghe tiếng Anh hay tiếng Việt cũng vậy, bắt từ là cực quan trọng, bởi chúng ta đâu thể nghe cô giáo hay bạn bè thao thao bất tuyệt từng từ một trong 3,4 giờ đồng hồ được, thậm chí trong 10 phút nghe liên tục thôi chúng ta đã rất mệt mỏi rồi, nói gì chúng ta còn phải đọc câu hỏi, gạch key words trong câu hỏi, chờ đợi key words. Đầu óc không nổ bùng mới là chuyện lạ.

4. CÁCH NGHE HẰNG NGÀY – THÓI QUEN NGHE

Đây cũng là điều làm kĩ năng của bạn không tăng lên nhiều, không xứng với thời gian các bạn dành cho nó. Về cách nghe hàng ngày, mình sẽ đề xuất một cách nghe ở bài sau. Nhìn chung cần nghe đúng và biết cách nghe hợp với bản thân mình.

5. CÁCH LUYỆN BÀI TẬP NGHE ĐỂ LUYỆN THI

Nhiều bạn nghĩ rằng luyện nghe thì cứ nghe thật nhiều, làm thật nhiều, điểm ắt sẽ cao. Có thể, điểm sẽ cao thật, nhưng không nghĩ là điểm sẽ cao như các bạn kỳ vọng.

Nghe nhiều các bài nghe thuộc bộ đề luyện thi thì đúng là có giúp ích, nhưng mình không nghĩ nó có thể giúp các bạn nhảy vọt điểm của bạn lên được trong thời gian ngắn.

6. KĨ NĂNG NGHE, TRÌNH ĐỘ NGHE THẤP HƠN CÁC TÀI LIỆU BẠN ĐANG NGHE

Đây là một cách tốt nhất để làm giảm ý chí và hứng thú học. Theo mình, học là quá trình rất cần có hứng thú và ý thích. Trong khi các bạn chưa đủ trình độ nghe các bài bản tin của BBC, nghe các thể loại bài giảng hay thậm chí audio books – sách nói thì sao các bạn có thể đủ kiên nhẫn để nghe nó hàng ngày, nghe nó thường xuyên được chứ. Và bỏ cuộc.

Theo blogielts.com