fbpx

Học bổng

Hiện nay, các học sinh sinh viên Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với các học bổng khác nhau. Tuy nhiên, để giành được học bổng, các bạn cần nắm rõ quy trình xét tuyển và các tiêu chí của các tổ chức cung cấp học bổng. Trong mục này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số học bổng lớn để đi du học ở Mỹ. Xin các bạn lưu ý, ngoài những học bổng được liệt kê ở đây, còn rất nhiều các cơ hội khác. Chỉ cần bạn có khả năng học tập, vốn tiếng Anh tốt và sự chuẩn bị đầy đủ, việc đi du học bằng học bổng không phải quá xa vời.

THÔNG TIN HỌC BỔNG
1. Học bổng ASSIST là gì?
Khởi nguồn tử ý tưởng của Paul Sanderson, một giáo viên tại Suffield Academy (CT), nhằm đưa nền giáo dục tư thục Hoa Kỳ trở nên gần gũi hơn với học sinh quốc tế, đồng thời tạo cơ hội để những học sinh khám phá và tìm hiểu nền văn hóa Hoa Kỳ, từ khóa đầu tiên với 13 học sinh Đức, trong suốt 40 năm tồn tại và hoạt động của mình, ASSIST đã tạo điều kiện cho hơn 3600 học sinh phổ thông đến từ 36 quốc gia trên thế giới tiếp cận với hệ thống giáo dục tư thục Hoa Kỳ tại trên 88 trường tư thục bán trú và nội trú từ New York đến California.
Học bổng ASSIST, hiểu một cách đơn giản, là một chương trình giao lưu văn hóa đặc biệt. Học sinh được nhận học bổng toàn phần (bao gồm tiền học phí, ăn ở) tại một trong 80 trường tư thục được công nhận bởi NAIS (National Association of Independent Schools) mà danh sách có thể xem tại đây: http://assistinc.org/index.cfm/pk/content/pid/400844.Sau khi hoàn thành năm học này, học sinh BẮT BUỘC phải quay trở về nước sở tại để hoàn tất chương trình phổ thông tại đây.
Học bổng ASSIST đã tiến hành tuyển chọn học sinh Việt Nam từ năm 2005 và từ đó đến nay, 16 học sinh đã nhận học bổng này với trị giá tổng cộng lên tới hơn $500,000. Có thể nói, học bổng ASSIST là chương trình duy nhất hiện nay mang đến cơ hội tiếp cận nền giáo dục tư thục Hoa Kỳ cho học sinh Việt Nam mà không dựa vào khả năng tài chính của gia đình (tức là học sinh chắc chắn sẽ được nhận học bổng toàn phần tại trường mình sẽ theo học với tư cách ASSIST Scholar).
Khác biệt giữa học bổng ASSIST và chương trình giao lưu văn hóa (Exchange Program)
Assist Scholarship
Exchange program
Trường tư thục (độc lập về mặt tài chính và điều hành). Học phí khoảng $44,000/năm (trường bán trú), hoặc $22,000/năm (trường nội trú)
Trường công lập (được chính phủ tài trợ). Học phí khoảng $5,000/năm
Phải trở về hoàn thành chương trình phổ thông tại VN, sau đó mới apply vào Đại học Mỹ
Sau khi kết thúc chương trình có thể tiếp tục học lên tới Đại học tại Mỹ
2. Kỳ tuyển chọn của học bổng ASSIST:
Hàng năm, chương trình ASSIST thường bắt đầu kỳ tuyển chọn vào tháng 9 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cùng lúc với đợt recruitment của 4 trường Taft, Loomis Chaffee, Westminster và Berkshire ( về 4 trường này có thể xem thêm bài viết ở mục khác của website).
Đối tượng tuyển sinh: học sinh lớp 10 và 11 trên cả nước.
Số lượng: Tùy theo chất lượng thí sinh hàng năm. Thường mỗi năm có 8-12 học sinh được chọn cho học bổng này.
Vòng 1: SLEP TEST
Vòng 1 thường được tổ chức tại trường HN-Ams hoặc Tổng hợp. Thí sinh dự thi cần đăng ký với AEG Vietnam (nhà A1 – 343 Đội Cấn) để làm bài thi SLEP (thông tin về bài thi này có thể tham khảo trên www.ets.com). Ngoài các phần cơ bản trong bài thi SLEP là nghe, đọc hiểu, thí sinh còn phải hoàn thành một bài luận khoảng 500 từ theo một chủ đề nhất định.
Vòng 2: Phỏng vấn với đại diện của ASSIST tại Vietnam.
Vượt qua vòng SLEP, thí sinh sẽ tiến hành phỏng vấn với đại diện của ASSIST tại Vietnam, mà ở đây là Mr. Richard Sherwood và Mrs. Hoan Sherwood. Vòng phỏng vấn này có mục đích kiểm tra thêm năng lực của thí sinh cũng như xác định phần nào khả năng tính cách của thí sinh có phù hợp với tiêu chí của học bổng ASSIST hay không.
Vòng 3: SSAT test.
Sau khi phỏng vấn, thí sinh được chọn tiếp tục hoàn thành kỳ thi SSAT. Đây là một bài thi chuẩn hóa dành cho học sinh muốn nhập học tại trường cấp 3 ở Mỹ. SSAT Test cũng là yếu tố bắt buộc cho học sinh muốn thi tuyển vào 4 trường đã nêu ở trên, cũng như học bổng ASSIST. Thông tin về kỳ thi này có thể được tìm thấy ở www.ssat.org.
Vòng 4: Phỏng vấn với đại diện của tổ chức ASSIST
Đây cũng là vòng thi cuối cùng trong kỳ tuyển chọn ASSIST. Thí sinh được phỏng vấn với đại diện của tổ chức ASSIST là giám đốc Bob Stanley. Ngoài các yếu tố như thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, tính cách cũng như con người của mỗi thí sinh sẽ được thể hiện qua vòng thi này.
Sau khi hoàn thành 4 vòng thi trên, thí sinh sẽ được thông báo về việc mình được chọn là ASSIST Finalist. Thí sinh tiếp tục hoàn thành một bộ hồ sơ gồm bài luận, … để tiến hành việc chọn trường. Vào khoảng tháng 3 sẽ được thông báo về trường, đồng thời các thông tin khác như lớp học, thông tin về host family sẽ được cung cấp cho học sinh.
Học bổng ASSIST chính là một cơ hội tuyệt vời dành cho học sinh phổ thông trải nghiệm nền văn hóa Hoa Kỳ, cũng như thử thách bản thân trong môi trường giáo dục tuyệt vời của hệ thống trường tư thục ở đây. Điều đặc biệt hơn là bạn có cơ hội chia sẽ những kinh nghiệm cũng như suy nghĩ của mình với gia đình và bạn bè khi quay lại Việt Nam. Một năm du học với tư cách ASSIST Scholar chắc chắn sẽ khiến bạn trưởng thành hơn về mọi mặt trong cuộc sống.
Học bổng ASSIST, xét về một khía cạnh nào đó, cũng là bước đệm giúp bạn đến gần hơn với các trường ĐH danh tiếng của Hoa Kỳ. ASSIST Scholars Vietnam hiện đang theo học tại các trường như Stanford University, MIT, University of Pennsylvania, Duke University, Hamilton College, Bates College, Mount Holyoke College, Lafayette College.
Lưu ý: Để biết thêm chi tiết, bạn có thể đọc thêm từ brochure hoặc truy cập trang web sau:
II. Chương trình giao lưu văn hóa của Đại Sứ Quán (VApedia)
1. Giới thiệu chung
Chương trình trao đổi giao lưu văn hóa là chương trình giúp học sinh Việt Nam du học 01 năm tại trường PTTH Hoa Kỳ để trao đổi văn hóa. Học sinh có thể đăng ký học trường công lập hoặc trường tư thục theo ý muốn.Trong suốt quá trình một năm học, học sinh sẽ có cơ hội học hỏi văn hóa Mỹ và văn hóa của các nước khác thông qua các học sinh quốc tế cùng tham gia chương trình này. Ngoài ra, học sinh còn có cơ hội cũng như trách nhiệm truyền bá văn hóa Việt Nam cho học sinh nước chủ nhà và học sinh quốc tế cùng tham gia chương trình. Trong quá trình tham gia chương trình, học sinh sẽ được các điều phối viên của chương trình giao lưu văn hóa theo dõi và giúp đỡ tận tình. Mục đích của chương trình là tạo điều kiện cho học sinh các nước có cơ hội giao lưu văn hóa và tạo tính tự lập cho học sinh khi sống xa gia đình trong một môi trường khác biệt. Các tổ chức và công ty tư vấn du học là đại diện của các chương trình giao lưu văn hóa tại Việt Nam có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh làm hồ sơ để tìm kiếm địa phương và gia đình phù hợp. Tham gia chương trình, học sinh có thể đăng kí học tại trường PTTH công lập hoặc PTTH tư thục. Tuy nhiên, các trường PTTH tại Mỹ không đảm bảo cho học sinh giao lưu văn hoá có thể tốt nghiệp và nhận bằng PTTH.
2. PTTH công lập
Nếu đăng kí học trường công lập, học sinh sẽ được sống với gia đình cha mẹ nuôi người Mỹ (được bố trí), học ở một trường trung học công lập của Mỹ trong địa phương.
a. Điều kiện tham gia
– Độ tuổi: tất cả học sinh từ 15-18 tuổi.
– Điểm học tập trung bình của hai năm học gần nhất: 7.0 trở lên; thời gian học tập liên tục; trình độ tiếng Anh tốt (Slep test: 45 trở lên và qua được buổi phỏng vấn trực tiếp với đại diện của chương trình tại Việt Nam); có phẩm chất đạo đức tốt, am hiểu văn hóa Việt Nam, thân thiện, hoạt bát, dễ hòa đồng và dễ thích nghi với môi trường sống mới; mong muốn được học hỏi và giao lưu với các nền văn hóa khác.
– Điều kiện sức khoẻ tốt để có thể hoàn thành tốt các hoạt động học tập cũng như ngoại khoá.
– Hoàn thành đầy đủ các giấy tờ thủ tục cần thiết.
– Chưa từng tốt nghiệp một trường PTTH nào.
– Chấp nhận sự sắp xếp nơi ở và trường học của tổ chức tư vấn du học đã đăng ký.
b. Chương trình
Chương trình thông thường bao gồm:
– Học sinh được nhận vào trường PTTH công lập Mỹ.
– Học sinh được ở nhà cha mẹ nuôi, và được tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất tuỳ theo gia đình nuôi.
– Các chuyên viên điều phối của chương trình tại các địa phương sẽ theo dõi và giúp đỡ khi cần thiết.
– Bảo hiểm sức khoẻ
– Bản DS-2019 hỗ trợ xin visa J-1
– Sự tham gia các hoạt động cùng gia đình nuôi và của nhà trường, bao gồm các hoạt động cộng đồng…
c. Chi phí tham khảo
Khi tham gia chương trình, học sinh sẽ phải đóng một khoản phí từ 5.500-9.000 USD, bao gồm phí đăng ký tham gia chương trình, phí hành chính, phí bảo hiểm, vé máy bay. Việc ăn ở và hỗ trợ vật chất hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện của gia đình host tại Mỹ. Học sinh không phải trả tiền ăn sáng và tối hoặc tiền thuê nhà, nhưng các khoản phụ phí như tiền điện thoại, Internet, chi phí đi lại nếu đi du lịch, một số học sinh phải tự túc trả hoặc thanh toán cuối tháng cho gia đình host. Chi phí chương trình không bao gồm chi phí cá nhân như tiền tiêu vặt, phí tham quan du lịch, tiền ăn trưa tại trường hoặc các bữa ăn bên ngoài gia đình cha mẹ nuôi… Trừ phí dịch vụ và phí tham gia chương trình khoảng $5000 – 6000 (tùy theo trung tâm du học), mỗi học sinh phải trả từ $3000 – 4000 cho các khoản phí sinh hoạt tối thiểu trong 10 tháng của năm học, không kể vé máy bay đi và về (khoảng $1000 – 2000).
3. PTTH tư thục
Nếu đăng kí học trường PTTH tư thục, học sinh có thể lựa chọn trường học trong hệ thống của các tổ chức du học sau khi tham khảo.
a. Điều kiện tham gia
Khác với các trường công lập, trường tư thục không yêu cầu học sinh phải thuần thục trong học tập cũng như giao tiếp bằng tiếng Anh. Trong khi một số trường sẽ yêu cầu học sinh kiểm tra tiếng Anh khi nhập học, một số khác lại tổ chức các lớp học ESL (English as a Second Language) cho các học sinh với khả năng tiếng Anh hạn chế. Các tổ chức du học sẽ xem xét nguyện vọng, năng khiếu cũng như những điểm yếu, điểm mạnh… để giúp học sinh lựa chọn trường học phù hợp.
b. Chương trình
Chương trình thông thường bao gồm:
– Sự tư vấn, giúp đỡ của tổ chức du học trong việc tìm kiếm trường thích hợp
– Phí cấp visa F-1
– Sự sắp xếp nơi ở cho học sinh, hoặc ở với gia đình nuôi, hoặc ở trong kí túc xá của trường.
– Học phí & Phí kí túc xá
– Bảo hiểm sức khỏe
– Sự giúp đỡ của đại diện tổ chức du học từ đầu đến cuối chương trình GLVH..
c. Chi phí tham khảo
Khi tham gia học trường tư thục, học sinh có thể chon trường tuỳ theo điều kiện tài chính của gia đình. Học phí có sự dao động, phụ thuộc vào chương trình học và hình thức sinh hoạt được lựa chọn (ở cùng gia đình nuôi hoặc ở kí túc xá). Thông thường, học sinh phải đóng từ $10000 đến $35000 cho một năm học và từ $6500 đến $21000 cho một học kì.
Những lợi ích của việc học trường tư thục
– Sự linh hoạt trong yêu cầu về khả năng ngôn ngữ của học sinh
– Sự lựa chọn trường
– Cơ hội cho các học sinh giao lưu văn hoá quay lại học tiếp năm thứ hai, thứ ba và thứ tư
– Học sinh nhập học muộn được chấp nhận
Các trường tư thục chọn lọc đưa ra nhiều quyền lựa chọn cho các du học sinh. Họ có thể chọn ở với gia đình nuôi hoặc ở kí túc xá của trường. Cơ hội nhận bằng tốt nghiệp của học sinh giao lưu văn hoá ở các trường PTTH tư thục lớn hơn so với trường công lập. Học sinh sẽ nhận được sự giúp đỡ của các nhân viên tổ chức du học về các môn học, các kì thi chuẩn hoá… Ngoài ra, trường tư thục còn có các lớp AP tạo điều kiện cho những học sinh có nhu cầu học đại học tại Mỹ. Hệ thống các trường PTTH tư thục liên kết với chương trình giao lưu văn hoá phân bố khắp trên nước Mỹ, như New England, New York, North & South Carolina, Georgia, Florida, California, Oregon…
4. Đăng ký
Hiện nay, học sinh THPT tại Việt Nam có thể đăng ký tham gia chương trình giao lưu văn hóa qua một số tổ chức có đại diện tại Việt Nam như chương trình của tổ chức AYUSA, CCI, EF, Aspect Foundation…
Thông thường mỗi năm có hai lần: một lần cho học kỳ mùa thu bắt đầu tháng 8, một lần cho học kỳ mùa xuân bắt đầu vào tháng 1.
5. Những lựa chọn khi kết thúc chương trình
Hết thời hạn của chương trình, học sinh sẽ về nước. Nếu học sinh được một trường Đại học của Mỹ nhận vào học dưới hình thức cấp học bổng hoặc tự túc kinh phí thì sẽ về nước xin visa sang Mỹ học tiếp. Những học sinh đã tham gia chương trình khi trở về Việt Nam có những khả năng lựa chọn như sau: có thể xin học tiếp tục tại các trường quốc tế tại Việt Nam, học sinh có thể sẽ phải làm bài kiểm tra xếp lớp hoặc nộp kết quả học tập một năm ở nước ngoài, tùy yêu cầu của từng trường. Học sinh cũng có thể xin đi du học theo dạng tự túc tại Mỹ hoặc tại một nước thứ ba.
III. Học bổng từ các trường đại học (VApedia)
Các bạn muốn đi du học có thể tham khảo học bổng Fullbright hoặc học bổng VEF của Đại Sứ Quán Mĩ. Tuy nhiên, vì số lượng học bổng có hạn, những học bổng này thường rất cạnh tranh. Các bạn nên biết rằng, ngoài những học bổng mà chính phủ Mĩ dành cho học sinh quốc tế, các trường đại học ở Mĩ cũng rất rộng lượng khi xem xét khả năng tài chính của học sinh Việt Nam. Chính vì vậy, khi làm hồ sơ du học Mĩ, các bạn nên tìm hiểu kĩ về hệ thống học bổng của các trường đại học Mĩ. Dưới đây là tổng quan về hệ thống đó. Để biết thêm chi tiết về học bổng của từng trường, các bạn nên hỏi các ban tuyển sinh.
1. Khoản vay (Loan)
Loans là khoản tiền mà sinh viên được vay và bắt buộc phải trả lại. Một số hình thức vay mượn được coi như trợ cấp tài chính vì những người nộp thuế giảm lãi suất để sinh viên có thể vay tiền với chi phí thấp hơn so với khi vay từ ngân hàng. Một sớ tổ chức và trường đại học thậm chí còn cung cấp sinh viên với hình thức vay lãi suất 0%. Tuy nhiên các hình thức trên chỉ áp dụng với công dân Mỹ và người có thẻ xanh.
Học sinh quốc tế thường vay tiền từ các ngân hàng Mỹ, nhưng họ sẽ cần một công dân Mỹ bảo lãnh và cùng ký vào bản thoả thuận cho vay. Tuỳ thuộc vào lịch sử tín dụng của người đó, lãi suất của học sinh có thể thấp hơn so với mức bình thường.
2. Work study: chương trình mà học sinh có thể làm việc và có thu nhập giúp trả học phí.
3. Grant
a. Merit-based scholarship
· Merit-based aid và scholarship là gì?
Merit-based aid và “scholarship” là cụm từ dùng để chỉ học bổng được cấp bởi một trường đại học hoặc các tổ chức ngoài trường đại học. Thông thường loại học bổng này được trao cho những học sinh có thành tích học tập xuất sắc, nhưng cũng có trường hợp học bổng được trao cho những học sinh có những khả năng đặc biêt như nghệ thuật, thể thao, khả năng lãnh đạo. Học bổng merit-based không xét đến khả năng tài chính của ứng viên. Nói cách khác, người xét sẽ không xem xét đến khả năng đóng góp của bạn mà họ chỉ quan tâm đến thành tích và khả năng của bạn mà thôi. Ở một số trường đại học, mỗi học sinh được nhận vào trường sẽ tự động được xét nhận “học bổng” nhưng cũng có nhiều trường sinh viên phải nộp hồ sơ riêng.
Tuy nhiên với học sinh quốc tế thì hầu hết nhận need-based financial aid và không rơi vào loại merit-based hay scholarship.
· Tiền học bổng
Ở các trường đại học ở Mỹ, các scholarship hay merit-based aid có thể là một phần học phí hay những khoản tiền (giá trị của khoản tiền này phụ thuộc vào từng học bổng, từng trường) nhằm khuyến khích học sinh học tập, tham gia vào các hoạt động của trường vv, nên giá trị của chúng có thể không lớn lắm. Tuy nhiên cũng có những học bổng có giá trị rất lớn bao gồm học phí, chi phí ăn ở, sinh hoạt, vé máy bay vv. Những học bổng loại như thế này thường rất cạnh tranh.
Ví dụ:
– Ở trường đại học Lake Forest (IL), có các học bổng dành cho học sinh quốc tế dựa trên thành tích học tập. Ví dụ như Deerpath Scholarship có giá trị từ 5k-8k. Yêu cầu phải có SAT tối thiểu 1090 (verbal and math), xếp top 20% ở trường. Không cần phải làm hồ sơ riêng.
– Trường đại học Richmond (VA) cho phép sinh viên quốc tế nộp đơn tham gia vào học bổng dành cho sinh viên có khả năng xuất sắc về âm nhạc, sân khấu “Music and Theatre/Dance Scholarship”. Giá trị của học bổng thì tùy từng ứng viên sẽ khác nhau.
– Trường đại học Wesleyan (CT) có chương trình “Wesleyan Freeman Asian Scholarship” dành cho học sinh một số nước châu Á trong đó có Việt Nam. Giá trị học bổng sẽ bao gồm toàn bộ tiền học.
Những trường hợp học bổng toàn phần như Richmond và Wesleyan rất hiếm. Vì vậy bạn có thể cùng lúc nộp đơn xin trợ cấp tài chính (need-based aid) ở các trường khác để có thêm nhiều lựa chọn và cơ hội.
· Khả năng đóng góp của gia đình
Như đã nói ỏ trên ban tuyến sinh sẽ không quan tâm đến khả năng tài chính của ứng viên để quyết định người nhận học bổng. Vì vậy khoản tiền đóng góp của bạn, dù ít dù nhiều, cũng không có ảnh hưởng gì đến việc bạn có được nhận merit-based scholarship hay không. Tuy nhiên học bổng dạng này thường chỉ chu cấp chi phí học tập, sinh hoạt tại trường hoặc là những khoản tiền khuyến khích sinh viên nên gia đình vẫn phải chi trả cho phần phí còn lại tại trường. Mặc dù vậy, khi bạn nhận được học bổng merit-based, bạn vẫn có quyền nộp đơn xin need-based financial aid để xin thêm tiền.
· Làm thể nào để được merit-based scholarship?
Tùy theo chính sách của từng trường mà bạn sẽ phải nộp những đơn khác nhau. Có trường không bắt bạn phải nộp đơn riêng để xin học bổng, cũng có trường sẽ bắt bạn phải làm một bộ hồ sơ riêng, hoàn toàn tách biệt với hồ sơ xin học để được xin xét học bổng. Vì vậy khi nộp đơn vào trường nào mà bạn có nhu cầu xin merit-based hãy xem thêm chi tiết trên website của trường để biết thêm chi tiết.
b. Need-based scholarship:
Giới thiệu chung
Need-based financial aid (Hỗ trợ tài chính dựa theo nhu cầu) được cung cấp cho sinh viên dựa theo số tiền mà gia đình bạn có thể chi trả cho trường (Expected Family contribution). Với những trường có nguồn tài chính dồi dào, trường có thể cung cấp hoàn toàn khoản tiền mà gia đình bạn không thể chi trả. Ví dụ: Nếu chi phí 1 năm học ở trường là $47,000 và gia đình bạn có thể chi trả $3,500, thì trường sẽ cung cấp cho bạn khoản tiền còn lại là : 47,000 – 3,500 = $43,500.
Bạn thường sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ trường dưới dạng “gói”, bao gồm :
Grant: tiền trợ cấp không hoàn lại của trường, có thể của bang (chỉ với sinh viên Mỹ)
Loan: tiền vay nợ bạn sẽ phải trả lại trường, hoặc tổ chức cho vay nợ
Work study: khoản tiền bạn kiếm được từ những công việc trong trường mà trường giao cho bạn
Do nguồn tài chính để trợ cấp cho sinh viên có hạn, nên hầu hết các trường không thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho tất cả các sinh viên. Trường có thể nhận bạn vào học, nhưng không cung cấp đủ số tiền bạn cần để chi trả. Hoặc, thường gặp hơn, là trường sẽ từ chối bạn vì không đủ tài chính.
Vai trò của khoản tiền đóng góp từ gia đình
Khoản tiền đóng góp từ gia đình (expected family contribution) là một nhân tố quan trọng trong quá trình tuyển sinh. Ở một số trường, việc gia đình bạn có khả năng đóng góp $5,000 so với $8,000 là không khác nhau là mấy. Tuy vậy, vẫn có những sự chênh lệch rất lớn. Điển hình là khi có những bạn chỉ có khả năng đóng góp $1,000 bên cạnh những bạn mà gia đình sẵn sàng đóng toàn bộ học phí, thậm chí còn hào phóng nộp thêm tiền đóng góp cho trường. Vậy, việc tuyển sinh và cung cấp hỗ trợ tài chính quan hệ thế nào với nhau?
Nguồn tài chính có hạn, lượng sinh viên đông đảo, nên trường sẽ cố gắng nhận và cung cấp hỗ trợ tài chính cho một số sinh viên mà trường rất muốn nhận vào học. Có thể đó là những sinh viên có điểm GPA cao chót vót, SAT trên 2200, nhưng cũng có thể đó là những sinh viên có hoạt động ngoại khóa vượt trội, một cá tính đặc biệt, hoặc là một trong số ít ỏi sinh viên trường muốn có để làm tăng sự đa dạng (diversity) cho cộng đồng học sinh (student body) (chẳng hạn như 1 trường chưa có học sinh Việt Nam thì rất có thể sẽ mong muốn có 1 vài học sinh Việt Nam theo học). Từ những lý do trên, việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên phụ thuộc vào trường thấy sinh viên đó có hợp với mình không (cả về cá nhân sinh viên, và nguồn tài chính của trường).
Những trường xem trợ cấp tài chính là 1 nhân tố trong quá trình tuyển sinh được gọi là có need-aware admission. Ngược lại với những trường này là một số ít ỏi các trường có need-blind admission, tức việc bạn được nhận vào hay không tùy thuộc vào khả năng của bạn, không phụ thuộc vào khoản tiền đóng góp của gia đình. Tuy vậy, nhiều trường có “need-blind admission” nhưng không có ‘”full-need admission”, nghĩa là bạn có thể đựơc nhậnvà nhưng không được nhận đủ hỗ trợ tài chính gia đình bạn cần.
Hiện nay chỉ có 6 trường tuyển sinh không dựa trên khả năng tài chính và bảo đảm cung cấp tất cả hỗ trợ tài chính gia đình học sinh cần để vào học (cả need-blind và full-need admission) đối với học sinh quốc tế:
MIT, Massachusetts Institute of Technology
Harvard University
Princeton University
Yale University
Dartmouth College
Amherst College
Cách nộp đơn xin hỗ trợ tài chính
Các trường thường yêu cần học sinh quốc tế nộp International Student Financial Aid Application (ISFAA) hoặc CSS/Financial Aid PROFILE. Ngoài ra, học sinh cũng cần nộp những giấy tờ chứng nhận khả năng tài chính như: Giấy xác nhận tài khoản ngân hàng, Giấy chứng nhận lương/thu nhập của bố mẹ, Giấy tờ thuế thu nhập, thuế nhà đất, v.v.
Một số trường cũng yêu cầu bạn nộp thêm những hồ sơ riêng của trường (ví dụ như Bates College yêu cầu học sinh quốc tế điền đơn Bates Financial Statement for International Students). (Bạn cần xem kỹ yêu cầu nộp đơn xin hỗ trợ tài chính dành cho học sinh quốc tế của mỗi trường).
IV. Hoc bổng Fulbright (Vietnam.usembassy.gov)
1.   Giới thiệu chung
Học bổng Thạc sĩ Fulbright, năm học 2012-2013
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thông báo Chương trình học bổng Fulbright lấy bằng thạc sĩ tại Mỹ năm học 2012- 2013. Học bổng bao gồm toàn bộ học phí, trợ cấp hàng tháng, vé máy bay khứ hồi đến Mỹ và bảo hiểm y tế.
Được thành lập năm 1946 với nguồn tài trợ từ Quốc hội Mỹ, Chương trình Fulbright hướng tới mục tiêu tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hoá và giáo dục. Đây là chương trình cạnh tranh công bằng dựa trên thành tích và năng lực cá nhân. Người được cấp học bổng sẽ theo học chương trình thạc sĩ tại Mỹ bắt đầu vào năm học 2012-2013.
Đối tượng tham gia chương trình: Là công dân Việt Nam, hiện đang ở Việt Nam, tốt nghiệp đại học, có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc tính từ ngày ghi trên bằng tốt nghiệp đại học đến ngày 1/4/2011, có điểm TOEFL iBT tối thiểu là 79 điểm IELTS 6.5 còn giá trị sử dụng.
Chương trình Fulbright khuyến khích các ngành khoa học xã hội và nhân văn như Hoa Kỳ học, giáo dục, truyền thông, báo chí, quan hệ quốc tế, công tác xã hội, chính sách công, kinh tế, kinh doanh, sức khoẻ cộng đồng, thư viện, quản lý hành chính công, chính sách công, giảng dạy tiếng Anh, nghiên cứu về giới và phụ nữ…
Để tham gia vào chương trình, các ứng viên phải nộp một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm đơn dự tuyển, ba thư giới thiệu, bản sao có công chứng các loại bằng cấp và bảng điểm (kèm bản dịch Tiếng Anh có công chứng) và bản sao chứng chỉ TOEFL/IELTS. Hồ sơ nộp theo địa chỉ: Chương trình Sinh viên Fulbright, Phòng Thông tin Văn hoá, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Số 7 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
Để biết thêm chi tiết về học bổng này, bạn có thể truy cập trang web của ĐSQ Hoa Kì
V. Học bổng VEF (giaoducmy.vn)
Niên học 2012, VEF dự định sẽ cấp khoảng 45 suất học bổng cho các công dân Việt Nam theo học chương trình sau đại học tại Hoa Kỳ khai giảng vào mùa thu năm 2012. Xin lưu ý, VEF chỉ chấp nhận hồ sơ trực
tuyến.
1. Các ngành học VEF cấp học bổng
VEF cấp học bổng cho chương trình học lấy bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ tại những trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, cho các ngành khoa học cơ bản (khoa học tự nhiên, vật lý, và môi trường), toán học, y tế(như y tế công cộng, dịch tễ học và miễn dịch học), kỹ thuật và công nghệ (bao gồm công nghệ thông tin). Các ngành học bao gồm các ngành khoa học cơ bản như sinh học, hoá học, và vật lý, cũng như khoa học nông nghiệp và khoa học máy tính. Các ứng viên theo học các ngành về biến đổi khí hậu (khoa học môi trường) hoặc năng lượng hạt nhân sẽ được ưu tiên trong trường hợp có các tiêu chuẩn đồng đều với các ứng viên khác.
2. Điều kiện dự tuyển
Ứng viên Học bổng của VEF có thể nộp hồ sơ theo một trong 2 quy trình, Quy trình A hoặc Quy trình B. Quy trình A dành cho các ứng viên chưa được nhận vào một chương trình sau đại học ở Hoa Kỳ. Quy trình B dành cho các ứng viên đã đựợc chấp nhận vào một chương trình sau đại học ở Hoa Kỳ. Quy trình A và Quy trình B được mô tả dưới đây.
Quy trình A
CHỈ chấp nhận hồ sơ trực tuyến (online applications)
CHỈ được mở từ 8 giờ 00 sáng ngày 10 tháng 2 năm 2011,
đến 8 giờ 00 sáng ngày 10 tháng 4 năm 2011 (theo giờ Việt Nam).
Điều kiện Dự tuyển Học bổng VEF theo Quy trình A
Để nộp đơn xin học bổng VEF, ứng viên phải đáp ứng được tất cả những yêu cầu tối thiểu dưới đây:
a. Là công dân mang quốc tịch Việt Nam và không là công dân Việt Nam thường trú tại, hoặc là công dân của một quốc gia khác.
b. Tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hoặc cao hơn chuyên ngành về khoa học, công nghệ trong những ngành học VEF cấp học bổng hoặc sinh viên đại học năm 3, năm 4, hoặc các năm cuối sẽ tốt nghiệp đại học trước tháng 7/2012.
c. Điểm trung bình chung (GPA): Điểm trung bình chung từ trường đại học phải đạt tối thiểu là 7/10. Ứng viên CHỈ có bằng đại học phải có GPA đạt ít nhất 7/10. Ứng viên có GPA bậc đại học từ 6,5/10 đến 7/10 CHỈ đủ điều kiện nộp đơn xin Học bổng trong trường hợp có bằng thạc sỹ với GPA đạt tối thiểu 7/10 trong cùng ngành học với chuyên ngành nộp đơn xin Học bổng. Các thang điểm khác phải quy đổi tương ứng sang thang điểm 10 theo hướng dẫn của VEF
d. Khả năng tiếng Anh thành thạo. Ứng viên phải chứng minh khả năng tiếng Anh thành thạo. Các ứng viên có thể chứng minh khả năng tiếng Anh của mình thông qua một số bằng chứng sau đây:
TOEFL. Chứng chỉ TOEFL có giá trị chưa quá một năm tính đến ngày mở mẫu hồ sơ trực tuyến (chấp nhận chứng chỉ TOEFL Quốc tế hoặc Nội bộ) tối thiểu 500 điểm cho Thi TOEFL trên giấy (Paper–based Test – PBT) [tương ứng với 173 điểm thi TOEFL trên máy tính (Computer–based Test – CBT) và 61 điểm thi TOEFL trực tuyến (Internet–based Test – iBT)].
IELTS: Chứng chỉ IELTS tối thiểu là 6.5 điểm cũng được chấp nhận thay cho chứng chỉ TOEFL
Bằng cấp tại một quốc gia nói tiếng Anh. Nếu ứng viên đang học hoặc mới có bằng đại học hoặc cao học (không quá hai năm tính từ ngày xin học bổng VEF) từ một trường đại học dạy bằng tiếng Anh tại một nước nói tiếng Anh hay có đủ bằng cấp chứng minh ứng viên đã tốt nghiệp từ một trường đại học thuộc các quốc gia kể trên thì cũng được coi là đáp ứng yêu cầu của VEF về khả năng tiếng Anh. Tuy nhiên, các ứng viên nên biết rằng các trường đại học Hoa Kỳ vẫn có thể vẫn yêu cầu chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS quốc tế chính thức khi các ứng viên nộp đơn vào các chương trình sau đại học.
e. GRE (Graduate Record Examination)
Để được phỏng vấn, ứng viên vòng cuối của VEF phải đạt số điểm tối thiểu cho phần thi kết hợp (toán và từ vựng) của kỳ thi GRE General từ 1000 điểm trở lên (bất kể là thi trên giấy hay trên máy tính) với hiệu lực không quá 5 năm. VEF chỉ chấp nhận bảng thông báo điểm GRE chính thức. Tất cả các ứng viên đều phải nộp kết quả của kỳ thi GRE General.
f. Bài luận: Mỗi ứng viên phải chuẩn bị một bài luận bằng tiếng Anh, trong đó bao gồm thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tế, sở thích đặc biệt và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.
g. Ba thư giới thiệu. Ứng viên phải nộp ba thư giới thiệu từ giảng viên/giáo sư của mình, đây là những người đã tham gia hướng dẫn ứng viên trong quá học tập và nghiên cứu hoặc là người quản lý trong công việc liên quan tới lĩnh vực học tập của ứng viên. Những người giới thiệu phải huớng dẫn ứng viên trong vòng ít nhất hai năm và phải biết rõ trình độ học vấn và kinh nghiệm chuyên môn của ứng viên.
Thư giới thiệu phải viết bằng Tiếng Anh, trên tiêu đề chính thức với chữ ký của người giới thiệu. Các thư giới thiệu phải hoàn toàn khác nhau. Mỗi người giới thiệu phải thể hiện sự hiểu biết của mình về ứng viên bằng việc nêu lên các ví dụ cụ thể về các tình huống trực tiếp quan sát cho thấy năng lực xuất sắc của ứng viên.
Quy trình B
VÒNG 1: Xét duyệt Hồ sơ
Các ứng viên nộp hồ sơ trực tuyến. VEF sẽ xét duyệt tính hợp lệ của hồ sơ các ứng viên đã được nhận học tại ít nhất một chương trình sau đại học hang đầu của Hoa Kỳ cho học kỳ mùa thu trong các ngành học được VEF hỗ trợ. Thêm vào đó, cho dù trường đại học Hoa Kỳ đồng ý tiếp nhận ứng viên thuộc hay không thuộc Hiệp hội các Trường đồng minh chia sẻ tài chính với VEF, đều phải chấp nhận các điều khoản hỗ trợ tài chính của VEF bằng văn bản, đồng thời trường phải điền vào mẫu xác nhận của VEF mô tả các hỗ trợ tài chínhtrong suốt chương trình học cho ứng viên.
Sau quá trìnhVEF xét duyệt tính hợp lệ của các hồ sơ, Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ sẽ tiến hành đánh giá kỹ thuật để xác định tầm quan trọng của các thành tích và tiềm năng đóng góp cho ngành định học của các ứng viên thông qua thành tích học tập, kết quả các kỳ thi, các kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu, các giải thưởng, và bài luận. Các ứng viên đạt tiêu chuẩn do Viện Hàn lâm Quốc giaHoa Kỳ đề cử sẽ được mời vào Vòng 2, vòng cuối của quy trình xét tuyển.
VÒNG 2: Thi vấn đáp
Các ứng viên do Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ đề cử sẽ được mời phỏngvấn qua điện thoại. Tùy thuộc vào số lượng các suất học bổng dành cho các ứng viên Quy trình B, các ứng viên đạt tiêu chuẩn cao nhất sẽ được đệ trình lên Hội đồng Quản trị VEF để phê chuẩn.
Lưu ý: Để biết thêm chi tiết về học bổng VEF, các bạn có thể truy cập trang web sau:
VI. Chương trình Nghiên cứu Hoa Kì (SUSI) dành cho thủ lĩnh sinh viên:
1.   Giới thiệu chung:
Chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ dành cho Thủ lĩnh Sinh viên – Chủ đề Môi trường toàn cầu – là chương trình nghiên cứu nâng cao nhằm cung cấp cho các thủ lĩnh sinh viên những hiểu biết sâu sắc hơn về Hoa Kỳ, đồng thời giúp họ nâng cao các kỹ năng lãnh đạo. Chương trình nghiên cứu được tổ chức tại Đại học Montana, bang Montana, sẽ bao gồm các thảo luận seminar, nghiên cứu tài liệu, thuyết trình nhóm và bài giảng được phân bổ một cách hợp lý. Ngoài các hoạt động trên lớp, chương trình còn có các chuyến thăm quan học tập và đi thực tế tại nhiều địa điểm khác nhau ở Hoa Kỳ và cơ hội tham gia các hoạt động tình nguyện.
Chương trình nghiên cứu với chủ đề Môi trường toàn cầu sẽ tìm hiểu vai trò của chính sách về môi trường trong phát triển kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ. Phương pháp học qua trải nghiệm sẽ được áp dụng giúp sinh viên tìm hiểu các lĩnh vực quản trị tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững/tập quán nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực, du lịch sinh thái, sản xuất năng lượng (các hình thức truyền thống và mới), quản trị và xử lý nước. Các lĩnh vực sẽ được tìm hiểu từ nhiều góc độ: hoạt động tích cực cấp cơ sở và các sáng kiến dân sự, cách tiếp cận theo hướng thị trường, các chính sách và quy định ở cấp liên bang. Chương trình có thể nghiên cứu mối liên hệ giữa an ninh môi trường và an ninh quốc gia. Cuối cùng, chương trình có thể sẽ nghiên cứu các vấn đề về môi trường trong bối cảnh xã hội toàn cầu hoá.
Toàn bộ chi phí tham dự chương trình, bao gồm chi phí tổ chức chương trình, đi lại nội địa và quốc tế, nơi ở, tài liệu học tập và các chi phí sinh hoạt khác sẽ do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đài thọ.
Chương trình sẽ bao gồm 4 tuần tham gia các khóa học và 1 tuần tham quan Hoa Kỳ, trong đó có 3 ngày tổng kết chương trình ở thủ đô Washington D.C
2. Tiêu chuẩn ứng viên:
Chương trình lựa chọn ứng viên theo nguyên tắc cạnh tranh dựa trên mối quan tâm đến các vấn đề về môi trường, triển vọng trở thành một thủ lĩnh sinh viên thông qua kết quả học tập, sự đóng góp cho cộng đồng và các hoạt đồng ngoài giảng đường. Ngành học của ứng viên có thể đa dạng, bao gồm (nhưng không giới hạn ở) Nông nghiệp, Sinh học, Du lịch sinh thái, Kỹ thuật, Luật môi trường, Khoa học môi trường, Quan hệ quốc tế, Chính sách công, Phát triển bền vững …Ứng viên đáp ứng các điều kiện sau đây có thể nộp đơn tham dự chương trình:
· Có quan tâm đến các vấn đề về môi trường
· Tiếng Anh thành thạo
· Là sinh viên đại học chính quy năm thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba (hoặc năm thứ tư hệ đào tạo 5 năm)
· Không quá 25 tuổi
· Cam kết trở về trường sau khi kết thúc chương trình nghiên cứu
· Thể hiện tố chất lãnh đạo và triển vọng trong trường học và các hoạt động cộng đồng;
· Có mục đích nghiêm túc khi nghiên cứu về Hoa Kỳ;
· Tiếng Anh thành thạo
· Có kết quả học tập xuất sắc thể hiện ở điểm thi các môn học, các phần thưởng và thư giới thiệu của các thầy, cô giáo;
· Từng tham gia các hoạt động cộng đồng trong và ngoài giảng đường;
· Hầu như chưa từng đi học hoặc du lịch tại Hoa Kỳ hoặc bất kỳ nước nào khác;
3. Đăng kí tham gia:
a. Đơn đăng ký tham dự chương trình đã điền đầy đủ thông tin
b. Bảng điểm các năm học đại học (dịch sang tiếng Anh và công chứng nếu bằng tiếng Việt)
c. Sinh viên năm thứ nhất cần nộp bản sao học bạ các năm học trung học phổ thông (dịch sang tiếng Anh và công chứng nếu bằng tiếng Việt)
d. Hai thư giới thiệu của giáo viên
Sinh viên các trường đại học phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra Bắc), gửi hồ sơ về địa chỉ:
Chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ dành cho Thủ lĩnh Sinh viên
Phòng Văn hoá Thông tin
Đại sứ quán Hoa Kỳ
7 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 3850 5000/ext.6034
Sinh viên các trường đại học phía Nam (từ Thừa Thiên – Huế trở vào Nam), gửi hồ sơ về địa chỉ:
Chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ dành cho Thủ lĩnh Sinh viên
Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ
Phòng Văn hoá Thông tin
4 Le Duan, District 1
Ho Chi Minh City
Tel:  (84) (8) 3520-4618
Để biết thêm chi tiết, các bạn nên tham khảo website của đại sứ quán Hoa Kỳ, phần thông cáo báo chí. Hạn của chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ thường vào tháng 1 hoặc tháng 12.