fbpx

Học bổng từ các trường đại học

Các bạn muốn đi du học có thể tham khảo học bổng Fullbright hoặc học bổng VEF của Đại Sứ Quán Mĩ. Tuy nhiên, vì số lượng học bổng có hạn, những học bổng này thường rất cạnh tranh. Các bạn nên biết rằng, ngoài những học bổng mà chính phủ Mĩ dành cho học sinh quốc tế, các trường đại học ở Mĩ cũng rất rộng lượng khi xem xét khả năng tài chính của học sinh Việt Nam. Chính vì vậy, khi làm hồ sơ du học Mĩ, các bạn nên tìm hiểu kĩ về hệ thống học bổng của các trường đại học Mĩ. Dưới đây là tổng quan về hệ thống đó. Để biết thêm chi tiết về học bổng của từng trường, các bạn nên hỏi các ban tuyển sinh.

1. Khoản vay (Loan)

Loans là khoản tiền mà sinh viên được vay và bắt buộc phải trả lại. Một số hình thức vay mượn được coi như trợ cấp tài chính vì những người nộp thuế giảm lãi suất để sinh viên có thể vay tiền với chi phí thấp hơn so với khi vay từ ngân hàng. Một sớ tổ chức và trường đại học thậm chí còn cung cấp sinh viên với hình thức vay lãi suất 0%. Tuy nhiên các hình thức trên chỉ áp dụng với công dân Mỹ và người có thẻ xanh.

Học sinh quốc tế thường vay tiền từ các ngân hàng Mỹ, nhưng họ sẽ cần một công dân Mỹ bảo lãnh và cùng ký vào bản thoả thuận cho vay. Tuỳ thuộc vào lịch sử tín dụng của người đó, lãi suất của học sinh có thể thấp hơn so với mức bình thường.

2. Work study: chương trình mà học sinh có thể làm việc và có thu nhập giúp trả học phí.

3. Grant

a. Merit-based scholarship

  • Merit-based aid và scholarship là gì?

Merit-based aid và “scholarship” là cụm từ dùng để chỉ học bổng được cấp bởi một trường đại học hoặc các tổ chức ngoài trường đại học. Thông thường loại học bổng này được trao cho những học sinh có thành tích học tập xuất sắc, nhưng cũng có trường hợp học bổng được trao cho những học sinh có những khả năng đặc biêt như nghệ thuật, thể thao, khả năng lãnh đạo. Học bổng merit-based không xét đến khả năng tài chính của ứng viên. Nói cách khác, người xét sẽ không xem xét đến khả năng đóng góp của bạn mà họ chỉ quan tâm đến thành tích và khả năng của bạn mà thôi. Ở một số trường đại học, mỗi học sinh được nhận vào trường sẽ tự động được xét nhận “học bổng” nhưng cũng có nhiều trường sinh viên phải nộp hồ sơ riêng.

Tuy nhiên với học sinh quốc tế thì hầu hết nhận need-based financial aid và không rơi vào loại merit-based hay scholarship.

  • Tiền học bổng

Ở các trường đại học ở Mỹ, các scholarship hay merit-based aid có thể là một phần học phí hay những khoản tiền (giá trị của khoản tiền này phụ thuộc vào từng học bổng, từng trường) nhằm khuyến khích học sinh học tập, tham gia vào các hoạt động của trường vv, nên giá trị của chúng có thể không lớn lắm. Tuy nhiên cũng có những học bổng có giá trị rất lớn bao gồm học phí, chi phí ăn ở, sinh hoạt, vé máy bay vv. Những học bổng loại như thế này thường rất cạnh tranh.

Ví dụ:

– Ở trường đại học Lake Forest (IL), có các học bổng dành cho học sinh quốc tế dựa trên thành tích học tập. Ví dụ như Deerpath Scholarship có giá trị từ 5k-8k. Yêu cầu phải có SAT tối thiểu 1090 (verbal and math), xếp top 20% ở trường. Không cần phải làm hồ sơ riêng.

– Trường đại học Richmond (VA) cho phép sinh viên quốc tế nộp đơn tham gia vào học bổng dành cho sinh viên có khả năng xuất sắc về âm nhạc, sân khấu “Music and Theatre/Dance Scholarship”. Giá trị của học bổng thì tùy từng ứng viên sẽ khác nhau.

– Trường đại học Wesleyan (CT) có chương trình “Wesleyan Freeman Asian Scholarship” dành cho học sinh một số nước châu Á trong đó có Việt Nam. Giá trị học bổng sẽ bao gồm toàn bộ tiền học.

Những trường hợp học bổng toàn phần như Richmond và Wesleyan rất hiếm. Vì vậy bạn có thể cùng lúc nộp đơn xin trợ cấp tài chính (need-based aid) ở các trường khác để có thêm nhiều lựa chọn và cơ hội.

  • Khả năng đóng góp của gia đình

Như đã nói ỏ trên ban tuyến sinh sẽ không quan tâm đến khả năng tài chính của ứng viên để quyết định người nhận học bổng. Vì vậy khoản tiền đóng góp của bạn, dù ít dù nhiều, cũng không có ảnh hưởng gì đến việc bạn có được nhận merit-based scholarship hay không. Tuy nhiên học bổng dạng này thường chỉ chu cấp chi phí học tập, sinh hoạt tại trường hoặc là những khoản tiền khuyến khích sinh viên nên gia đình vẫn phải chi trả cho phần phí còn lại tại trường. Mặc dù vậy, khi bạn nhận được học bổng merit-based, bạn vẫn có quyền nộp đơn xin need-based financial aid để xin thêm tiền.

  • Làm thể nào để được merit-based scholarship?

Tùy theo chính sách của từng trường mà bạn sẽ phải nộp những đơn khác nhau. Có trường không bắt bạn phải nộp đơn riêng để xin học bổng, cũng có trường sẽ bắt bạn phải làm một bộ hồ sơ riêng, hoàn toàn tách biệt với hồ sơ xin học để được xin xét học bổng. Vì vậy khi nộp đơn vào trường nào mà bạn có nhu cầu xin merit-based hãy xem thêm chi tiết trên website của trường để biết thêm chi tiết.

b. Need-based scholarship:

Ø  Giới thiệu chung

Need-based financial aid (Hỗ trợ tài chính dựa theo nhu cầu) được cung cấp cho sinh viên dựa theo số tiền mà gia đình bạn có thể chi trả cho trường (Expected Family contribution). Với những trường có nguồn tài chính dồi dào, trường có thể cung cấp hoàn toàn khoản tiền mà gia đình bạn không thể chi trả. Ví dụ: Nếu chi phí 1 năm học ở trường là $47,000 và gia đình bạn có thể chi trả $3,500, thì trường sẽ cung cấp cho bạn khoản tiền còn lại là : 47,000 – 3,500 = $43,500.

Bạn thường sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ trường dưới dạng “gói”, bao gồm :

Grant: tiền trợ cấp không hoàn lại của trường, có thể của bang (chỉ với sinh viên Mỹ)

Loan: tiền vay nợ bạn sẽ phải trả lại trường, hoặc tổ chức cho vay nợ

Work study: khoản tiền bạn kiếm được từ những công việc trong trường mà trường giao cho bạn

Do nguồn tài chính để trợ cấp cho sinh viên có hạn, nên hầu hết các trường không thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho tất cả các sinh viên. Trường có thể nhận bạn vào học, nhưng không cung cấp đủ số tiền bạn cần để chi trả. Hoặc, thường gặp hơn, là trường sẽ từ chối bạn vì không đủ tài chính.

Ø  Vai trò của khoản tiền đóng góp từ gia đình

Khoản tiền đóng góp từ gia đình (expected family contribution) là một nhân tố quan trọng trong quá trình tuyển sinh. Ở một số trường, việc gia đình bạn có khả năng đóng góp $5,000 so với $8,000 là không khác nhau là mấy. Tuy vậy, vẫn có những sự chênh lệch rất lớn. Điển hình là khi có những bạn chỉ có khả năng đóng góp $1,000 bên cạnh những bạn mà gia đình sẵn sàng đóng toàn bộ học phí, thậm chí còn hào phóng nộp thêm tiền đóng góp cho trường. Vậy, việc tuyển sinh và cung cấp hỗ trợ tài chính quan hệ thế nào với nhau?

Nguồn tài chính có hạn, lượng sinh viên đông đảo, nên trường sẽ cố gắng nhận và cung cấp hỗ trợ tài chính cho một số sinh viên mà trường rất muốn nhận vào học. Có thể đó là những sinh viên có điểm GPA cao chót vót, SAT trên 2200, nhưng cũng có thể đó là những sinh viên có hoạt động ngoại khóa vượt trội, một cá tính đặc biệt, hoặc là một trong số ít ỏi sinh viên trường muốn có để làm tăng sự đa dạng (diversity) cho cộng đồng học sinh (student body) (chẳng hạn như 1 trường chưa có học sinh Việt Nam thì rất có thể sẽ mong muốn có 1 vài học sinh Việt Nam theo học). Từ những lý do trên, việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên phụ thuộc vào trường thấy sinh viên đó có hợp với mình không (cả về cá nhân sinh viên, và nguồn tài chính của trường).

Những trường xem trợ cấp tài chính là 1 nhân tố trong quá trình tuyển sinh được gọi là có need-aware admission. Ngược lại với những trường này là một số ít ỏi các trường có need-blind admission, tức việc bạn được nhận vào hay không tùy thuộc vào khả năng của bạn, không phụ thuộc vào khoản tiền đóng góp của gia đình. Tuy vậy, nhiều trường có “need-blind admission” nhưng không có ‘”full-need admission”, nghĩa là bạn có thể đựơc nhậnvà nhưng không được nhận đủ hỗ trợ tài chính gia đình bạn cần.

Hiện nay chỉ có 6 trường tuyển sinh không dựa trên khả năng tài chính và bảo đảm cung cấp tất cả hỗ trợ tài chính gia đình học sinh cần để vào học (cả need-blind và full-need admission) đối với học sinh quốc tế:

MIT, Massachusetts Institute of Technology

Harvard University

Princeton University

Yale University

Dartmouth College

Amherst College

Cách nộp đơn xin hỗ trợ tài chính

Các trường thường yêu cần học sinh quốc tế nộp International Student Financial Aid Application (ISFAA) hoặc CSS/Financial Aid PROFILE. Ngoài ra, học sinh cũng cần nộp những giấy tờ chứng nhận khả năng tài chính như: Giấy xác nhận tài khoản ngân hàng, Giấy chứng nhận lương/thu nhập của bố mẹ, Giấy tờ thuế thu nhập, thuế nhà đất, v.v.

Một số trường cũng yêu cầu bạn nộp thêm những hồ sơ riêng của trường (ví dụ như Bates College yêu cầu học sinh quốc tế điền đơn Bates Financial Statement for International Students). (Bạn cần xem kỹ yêu cầu nộp đơn xin hỗ trợ tài chính dành cho học sinh quốc tế của mỗi trường).