Nguồn: Báo Dân trí
Du học bằng học bổng Hoa Kỳ đang nóng lên trong vài năm trở lại đây, và ngày càng trở nên cạnh tranh. Vậy bạn cần chuẩn bị những gì để tạo cho mình cơ hội?
Du học học bổng Hoa Kỳ – cạnh tranh gay gắt từ nhu cầu tăng vọt
Trong vòng 17 năm, kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, số lượng học sinh sinh viên Việt Nam sang học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ đã tăng vọt. Theo thống kê của báo cáo thường niên về biến động trong giáo dục quốc tế ở Mỹ Open Doors 2011, số lượng sinh viên Việt Nam trong năm học 2010-2011 hiện nay là khoảng 15.000, tăng 14% so với niên học trước.
Việt Nam hiện xếp thứ 8 trong số những nước có nhiều sinh viên du học nhất ở Mỹ – đây là một sự nhảy vọt so với vị trí thứ 20 cách đây 5 năm. Trong đó, 72,1% số du học sinh theo học bậc đại học, 15,2% là cao học, 9,9% ở các cấp học khác và 2,8% học nghề.
Mặc dù con số du học sinh Hoa Kỳ tăng vọt, đặc biệt là ở cấp Đại học, nhưng số lượng du học sinh đi học với học bổng vẫn còn chiếm phần trăm rất nhỏ. Chi phí du học lớn, thường dao động từ 30.000USD đến 60.000USD/năm khiến những học sinh sinh viên giỏi nhưng gia đình không quá dư dả khó thực hiện được giấc mơ du học Mỹ.
Chiến lược kém và chuẩn bị chưa kỹ càng làm giảm cơ hội xin học bổng
Vì sao con số du học bằng học bổng, đặc biệt ở bậc Đại học lại khiêm tốn như vậy trong khi trào lưu học tập và nghiên cứu tại Hoa Kỳ ngày càng rầm rộ? Một lý do nổi bật đó là phần lớn học sinh trung học Việt Nam, mặc dù rất thông minh và học giỏi nhưng xét toàn diện về tài năng, sự năng động còn kém so với học sinh quốc tế khác, trong khi đó đây lại là các tiêu chí quan trọng của các trường.
Bà Lavin Rapelye, giám đốc tuyển sinh trường đại học Princeton số 1 tại Hoa Kỳ, khẳng định trên NYTimes rằng “chúng tôi tuyển chọn học sinh dựa trên tổng thể bộ hồ sơ chứ không chỉ dựa trên thành tích học tập”.
Lý do không kém phần quan trọng khác là mặc dù nhiều học sinh Việt Nam đã tích cực tìm kiếm thông tin tuyển sinh, học bổng nhưng vẫn thiếu những chiến lược dài hạn xây dựng hồ sơ cá nhân hiệu quả để khiến mình nổi bật lên được giữa “một rừng” sinh viên quốc tế.
Ở những nước có lượng du học sinh đông đảo như Trung Quốc và Ấn Độ, việc đào tạo học sinh/sinh viên kỹ thuật, chiến lược trong việc xin học ở Hoa Kỳ đã trở thành một “ngành công nghiệp”. Tuy nhiên ở Việt Nam, dịch vụ này vẫn còn hiếm hoi và chưa thành hệ thống. Phần lớn các công ty du học ở Việt Nam chỉ tập trung vào tổ chức hội thảo, quảng bá cho các trường đại học mà họ đại diện thay vì cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp với mục tiêu tìm học bổng ở các trường top cao.
Chiến lược du học bổng – từ góc nhìn của những du học sinh thành công
Bạn Đỗ Hà Thu, cựu học sinh chuyên Anh Amsterdam, hiện đang học ở ĐH Smith thuộc nhóm top 20 ĐH Liberal Arts Hoa Kỳ cho biết, để có được học toàn phần, em phải mất 3 năm trời chuẩn bị. Quan điểm của Hà Thu là nếu ở Việt Nam, các bạn học sinh thường cần xác định rõ mình học khối A, B, C hay D ngay từ năm đầu trung học, thì đối với việc xin học bổng ở Mỹ, bạn cũng cần bắt đầu sớm như vậy để thực sự có được một hồ sơ dày dặn thành tích ngoại khóa, điểm trung bình môn và điểm các kỳ thi chuẩn hóa tốt.
Hà Thu làm MC chuyên nghiệp trong một hội thảo
Hà Thu bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ lớp 10. “Mình bắt đầu bằng các tìm hiểu các thông tin cơ bản, chuẩn bị tiếng Anh cho 2 kì thi là TOEFL và SAT. Mình thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường và ngoài trường vì đây là sở thích của mình, nhưng cũng 1 phần để có được hồ sơ du học ấn tượng hơn”.
Chơi đàn bầu, chơi keyboard, tham gia thi đấu dancesport, làm MC, tổ chức nhiều hoạt động trong trường, thực tập tại các công ty, trong đó có công việc bán thời gian tại khách sạn Sheraton nổi tiếng … chỉ là 1 phần của bảng thành tích ngoại khóa của Hà Thu.
Nhiều du học sinh thành công đều đồng quan điểm rằng các trường ĐH Hoa Kỳ coi trọng những gì bạn có thể làm cho cộng đồng hay khả năng lãnh đạo của bạn vì nền giáo dục rất thực tiễn này luôn đề cao end-result (kết quả cuối cùng) – nghĩa là cho dù bạn học tốt đến mức nào nhưng điều quan trọng nhất là bạn có thể đóng góp gì cho cộng đồng, có trở thành một con người có ích hay không.
Chính vì vậy, một hồ sơ đẹp có nhiều hoạt động ý nghĩa giúp bạn thể hiện khả năng và mong muốn đem học vấn của mình xây dựng cộng đồng – một tiêu chí quan trọng trong các giá trị sống của người Mỹ.
Ngoài hoạt động ngoại khóa và điểm thi, học lực trên trường được cho là yếu tổ rất quan trọng. Các bạn xin được học bổng cao thường năm trong top 5% của trường về điểm số và có nhiều giải thưởng từ cấp quận đến thành phố, quốc gia, thậm chí quốc tế.
Nguyễn Trung Hiếu, chủ tịch CLB SV quốc tế và sinh viên Việt Nam tại ĐH Bates
Bên cạnh đó, đạt điểm cao trong các kỳ thi chuẩn hóa như TOEFL, IELTS, SAT I và SAT II … là một yếu tố không thể thiếu để sinh viên Việt Nam nâng cao cơ hội giành học bổng. Bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên trung tâm tiếng Anh và tư vấn du học Summit, cố vấn giáo dục của Viện Giáo dục Quốc Tế IIE năm 2006-2007 cho biết, vì chính các học sinh trung học Mỹ với tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ vẫn gặp rất nhiều khó khăn với bài SAT I (gồm Toán, Đọc, Viết) nên xu hướng phổ biến hiện nay của các phụ huynh Việt Nam là cho con đi luyện thi TOEFL, SAT từ ngay đầu cấp 3.
Điểm trung bình SAT I của học sinh Mỹ chỉ đạt 1500-1600/2400. Vì vậy, việc các học sinh giỏi của Hà Nội, Sài Gòn đạt được điểm số 2000/2400, thậm chị 2200-2300/2400 sẽ gây được ấn tượng mạnh với hội đồng tuyển sinh.
Các bài luận thể hiện quan điểm cá nhân, tính cách, kinh nghiệm sống cũng là điểm khác biệt lớn giữa hồ sơ du học Mỹ và hồ sơ du học các nước khác. Đó là “cánh cửa tâm hồn” mà các bạn trẻ có thể mở rộng và chia sẻ cho ban tuyển sinh ngoài những con số và dãy dài những hoạt động ngoại khóa.
Để có được bài luận thú vị, các học sinh không chỉ cần có tiếng Anh tốt mà còn cần tích lũy những kinh nghiệm sống, có thói quen quan sát và đưa ra được những quan điểm, suy nghĩ độc đáo về cuộc sống xung quanh.
Xu hướng chuyên nghiệp hóa trong việc làm hồ sơ du học?
Những năm gần đây đã có rất nhiều nỗ lực hỗ trợ học sinh sinh viên Việt Nam tìm kiếm học bổng du học Mỹ từ phòng Thông tin du học của ĐSQ Hoa Kỳ, IIE cho đến các trang thông tin miễn phí uy tín như giaoducmy.vn hay vietabroader.org và một số tổ chức tư vấn tư nhân khác.
Tuy nhiên, bà Trần Phương Hoa cho rằng, sinh viên và phụ huynh Việt Nam vẫn còn chưa có hiểu biết thấu đáo về du học bằng học bổng, đặc biệt là ở các nhóm trường cạnh tranh top 50- 100. Các phụ huynh vẫn còn rất băn khoăn về các tiêu chí cho học bổng, thậm chí còn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa hệ thống cao đẳng cộng đồng, đại học Liberal arts, đại học công lập… của Mỹ.
Trung Hiếu lĩnh xướng trong dàn đồng ca của trường
Đồng tình với bà Hoa, anh Nguyễn Trung Hiếu, đồng chủ tịch VietAbroader từ 2010 đến 2012, một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ các học sinh Việt Nam biết về giáo dục Mỹ, chia sẻ: “Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính hiện nay, việc xin học bổng giá trị cao sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhưng các sinh viên Việt Nam không vì thế mà dễ dàng từ bỏ ước mơ du học Mỹ.
Hội thảo du học của Vietabroader mỗi năm lại thu hút đông hơn các phụ huynh và học sinh quan tâm. Tuy nhiên, nếu không có định hướng tốt, chuẩn bị kĩ lưỡng và được tư vấn chuyên nghiệp, rất nhiều học sinh sẽ ngậm ngùi vì được nhận vào trường nhưng không đủ học bổng để theo học”.