CALIFORNIA INSTITUTE OF TECHNOLOGY (#9 NU)

Trong đội ngũ giảng viên và cựu sinh viên của Học viện Công nghệ California, đã có tới 34 người giành giải Nobel, và sinh viên có thể dễ dàng tiếp xúc với sự xuất chúng đó bằng việc tham gia bất cứ khoá học nào họ có thể thêm vào lịch học một kì.  Các “Techer” (từ để gọi các sinh viên tại đây) hay nói rằng : “Văn phòng tuyển sinh không bao giờ mắc lỗi” và họ thường phải dành thời gian để nghỉ ngơi nhằm giải toả áp lực cũng như tránh kiệt sức. Một sinh viên ngành Sinh học nói: “Bầu không khí khích lệ niềm đam mê khám phá, kiến thức và khoa học một cách thực sự hăng say”. Không nghi ngờ gì, nếu bạn thích vật lý hạt hơn tiệc tùng, bạn thuộc về Caltech.

Toạ lạc tại Pasadena, Caltech có khuôn viên rộng 50 ha. Pasadena là “một vùng ngoại ô trù phú cách Los Angeles 24 km.”“Đây không phải là một thị trấn sinh viên.”. Với khoảng cách lớn tới trung tâm thành phố, ngôi trường này khá tách biệt khỏi sự vui vẻ, hào nhoáng và nhộn nhịp khiến mọi người liên tưởng đến bộ phim “La La Land”. Bên ngoài phòng học là sự yên tĩnh gần như tuyệt đối với hàng cây ô-liu, đầm sen, và rất nhiều hoa xen giữa những toà nhà kiến trúc Tây Ban Nha cổ. Những con đường đầy lá kết nối chúng với những toà nhà hiện đại. Hội trường Beckman (hay còn được gọi là “Bánh Cưới” bởi hình dáng tròn và mái hình nón) là nơi cho nghệ thuật trình diễn, các buổi học, chiếu phim, và những sự kiện giải trí.

Nhiệm vụ của Caltech là “bồi dưỡng những nhà khoa học hay kỹ sư với óc sáng tạo, những người rất cần thiết cho sự phát triển giáo dục, chính phủ, và công nghiệp”. Đây chính là nơi Albert Einstein đã phải bác bỏ ý niệm của ông về một vũ trụ bất biến và chấp nhận mô hình vũ trụ giãn nở. Đây cũng là nơi nhà vật lý Carl Anderson tìm thấy hạt positron. Noi theo gương những nhà bác học này, sinh viên phải đạt được những yêu cầu chung khó khăn, bao gồm 3 học kỳ Toán học và Vật lý, 3 kỳ Hoá học, một kỳ Sinh học, một kỳ về giao tiếp trong khoa học, 2 kì học giới thiệu về phòng thí nghiệm, và 12 kỳ về Nhân chủng và Xã hội học. Sinh viên thường phàn nàn rằng các yêu cầu này quá lớn, và “họ thường không thể học thêm bên ngoài những gì được yêu cầu”, một sinh viên Sinh học cho biết. Tuy vậy, việc giữ chỗ trong lớp vẫn khá khó, vì lượng học sinh có hạn để tạo điều kiện cho thảo luận nhóm. Hệ thống xét trượt/đỗ trong năm nhất thay vì cho điểm số giúp cho những sinh viên mới đến có thời gian dần thích nghi với trường. Và hệ thống quy ước danh dự, với tiêu chí “không ai có lợi thế một cách bất công trong Caltech”, làm giảm sự cạnh tranh điểm. Giáo sư cho học sinh các bài kiểm tra ở nhà, và nếu ai đó bị nghi vi phạm quy ước danh dự, các sinh viên tự quyết định nếu người đó có vi phạm hay không.

Caltech nổi danh nhờ Vật lý, và sinh viên cho biết đây vẫn là thế mạnh của trường. Một sinh viên năm hai nói: “Tôi thích cơ khí. Giáo sư rất tốt, môn học rất thú vị, và bạn có thể tham gia các cuộc thi rất vui.” Ở bất cứ ngành nào, sinh viên Caltech đều có thể sử dụng những cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm viện Beckman, một trung tâm nghiên cứu về Sinh học và Hoá học, và kính thiên văn Keck, kính thiên văn quang học lớn nhất thế giới. Phòng thí nghiệm Moore, với diện tích hơn 8400 m2, được trang bị những dụng cụ mới nhất cho kĩ thuật và liên lạc trong ngành quang sợi và những ngành tương tự. Học bổng Nghiên cứu hè tạo cơ hội cho 80% sinh viên khởi động những dự án khám phá của riêng họ, dưới sự tài trợ của trường. Khoảng 20% học sinh xuất bản kết quả của họ trong những tờ báo khoa học. 

Dù Caltech nổi tiếng về sự xuất chúng, sinh viên nói rằng chất lượng giảng dạy cũng có phần hên xui. Thỉnh thoảng, bạn sẽ may mắn và có những giáo sư rất tuyệt vời”, một học sinh ngành Khoa học máy tính cho biết. Những lần khác, bạn sẽ gặp những giáo sư hoặc không quan tâm đến lớp họ dạy, hoặc giỏi đến mức họ không thể truyền đạt được những khái niệm đơn giản. Chất lượng giảng dạy sẽ tốt hơn khi bạn học sâu hơn vào chuyên ngành. Ở đây, giáo sư ngành Nhân chủng và Xã hội học rất xuất chúng, vì họ thực sự muốn dạy hơn là đắm chìm trong một phòng thí nghiệm với những quang phổ kế hay giả lập phản ứng phân hạch. Một học sinh miêu tả không khí học thuật là “hợp tác, nghiêm túc, và bận bịu”.

29% sinh viên Caltech tới từ California, và 8% tới từ ngoại quốc. 45% là Mĩ gốc Á, nhưng Mĩ Latin chỉ chiếm 12% và Mĩ gốc Phi chiếm 1%. 99% tốt nghiệp trung học phổ thông đứng trong nhóm 10% học sinh xuất sắc nhất trường trung học của họ. Các vấn đề xã hội hay chính trị thường không quá nghiêm trọng trong ký túc xá. Tất cả các hỗ trợ tài trình đều được cấp dựa theo nhu cầu – không có học bổng học thuật hay thể thao – và Caltech bảo đảm sẽ trợ cấp đầy đủ nhu cầu của sinh viên trong nước.

Caltech còn đảm bảo nhà ở cho cả 4 năm, và 86% sống trong kí túc xá “thoải mái và tiện nghi”. Học sinh năm nhất chọn phòng trong tuần lễ “xoay vòng”: sau khi đã ở thử 1 đêm ở mỗi khu, họ sẽ đánh giá họ thích ở đâu nhất. Mỗi khu đều có một nhà ăn riêng, và những người ở trong ký túc xá buộc phải mua đồ ăn trong trường, mà một học sinh chia sẻ rằng “khá đắt so với chất lượng”.

Đời sống xã hội ở Caltech không quá hấp dẫn, theo như một sinh viên năm ba nhận định. Bởi vậy sinh viên cũng dành thời gian khám phá bên ngoài, tới Old Pasadena hoặc những trường gần đấy như USC, Occidental, và các trường khối Claremont, hoặc xuống vùng trung tâm Los Angeles, cũng rất dễ đi lại nhờ tuyến tàu điện. Disneyland và Hollywood cũng là những lựa chọn luôn sẵn, và những chuyến phượt tới bãi biển, dãy núi hoặc sa mạc – hay đi về phía nam tới Mexico – là một lựa chọn hay cho những ai có xe hơi. Dù vậy, một số sinh viên Caltech vẫn thích được tạo ra niềm vui cho bản thân với lễ hội Thả Bí đỏ (vào Halloween) hàng năm, bằng cách nhúng bí vào ni-tơ lỏng và thả xuống từ nóc thư viện để quả bí vỡ ra thành muôn mảnh.

Học sinh Caltech phải học cách thành công dưới áp lực lớn, bởi họ phải trải qua khối lượng bài vở rất lớn và cuộc sống xã hội không hoạt bát lắm. Nhưng sinh viên nói họ trân trọng vì được tự do nghĩ và khám phá. “Caltech là một nơi đặc biệt, bởi cộng đồng sinh viên độc đáo, giáo sư nhiệt tình, và bởi những gì chúng tôi học được từ nơi đây.”

Nguồn: Fiske Guide

Danh sách các trường Đại Học Mỹ