Khi du học sang các trường đại học ở Mỹ, ngoài những học bổng mà chính phủ Mĩ cung cấp cho các tân sinh viên, thì sẽ có những loại hỗ trợ tài chính khác từ các trường đại học để sinh viên có thể chi trả chi phí đại học. Những hình thức hỗ trợ tài chính này thường sẽ được các trường cung cấp cho sinh viên dưới dạng “gói” khác nhau và bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn hiểu rõ về các loại hỗ trợ tài chính đó.
- Loan: Khoản tiền bạn vay nợ từ nhà trường hoặc một tổ chức bất kỳ và bạn sẽ phải hoàn trả lại khoản tiền đó.
- Work study: Khoản tiền mà bạn có thể nhận được từ những công việc trong trường.
- Grant: Khoản tiền trợ cấp bạn được hỗ trợ và không phải hoàn lại.
Loan (Khoản vay)
Đây là khoản tiền mà sinh viên được cho vay từ các trường đại học để chi trả chi phí trong suốt quãng thời gian học đại học. Bởi vì khoản vay này được xem là một hình thức hỗ trợ tài chính nên nhà trường sẽ cho các bạn tân sinh viên vay tiền với lãi suất thấp hơn cả lãi suất ngân hàng, cũng có thể sẽ không có lãi, tùy trường. Và với khoản vay này tất nhiên bạn phải hoàn trả lại khi ra trường đi làm. Tuy nhiên, nhiều trường chỉ áp dụng hình thức khoản vay này với công dân Mỹ hoặc người có thẻ xanh.
Bởi vậy học sinh quốc tế muốn được hỗ trợ có thể sử dụng hình thức vay tiền từ các ngân hàng Mỹ, lãi suất tùy thuộc vào nhân hàng. Tuy nhiên để vay được tiền từ ngân hàng thì các bạn cần phải có sự bão lãnh của công dân Mỹ và họ phải ký vào bản thỏa thuận cho vay.
Work-study (Vừa học vừa làm)
Đây là khoản hỗ trợ các bạn có thể được nhận từ những hoạt động trong trường như trợ giảng, làm thêm trong văn phòng trường, thư viện, v.v… Những công việc này được nhà trường cho phép và mức lương các bạn có thể được nhận dao động từ $1000-$2000/ năm. Để dành được cơ hội làm việc trong trường thì các bạn phải đăng ký càng sớm càng tốt và cố gắng tạo thiện cảm tốt với những người xét duyệt tuyển dụng, bởi nhu cầu của học sinh thì nhiều mà số lượng công việc lại hạn chế.
Grant (Các khoản hỗ trợ khác)
Ngoài 2 khoản hỗ trợ trên thì có một hình thức hỗ trợ tài chính khác mà các bạn học sinh có thể tìm đến đó là Grant (các khoản hỗ trợ khác). Đây là một hình thức hỗ trợ tài chính cho các bạn học sinh trang trải chi phí đại học mà không cần phải hoàn trả lại.
Merit-based Scholarship (Học bổng dựa trên thành tích của học sinh)
Merit-based Scholarship là học bổng du học được cung cấp bởi một trường đại học nhất định hoặc một tổ chức nhiều trường đại học nhằm khuyến khích học sinh học tập, hay tham gia vào các hoạt động của trường. Giá trị của học bổng này thường khoảng từ $5,000 – $15,000 (ví dụ như trường Lake Forest…). Tuy nhiên cũng có một số trường cung cấp học bổng Merit-based Scholarship với giá trị rất cao, bao gồm cả tiền học và chi phí ăn ở, sinh hoạt, vé máy bay.v..v. và thường những học bổng này sẽ có tủ lệ cạnh tranh rất cao, vì hầu như sinh viên nào cũng muốn nhận được. Bạn có thể tham khảo một vài học bổng giá trị cao của các trường như học bổng Oldham Scholarship của trường University of Richmond hay Johnson Scholarship của trường đại học Washington and Lee University.
Điều kiện được nhận học bổng: Học bổng Merit-based Scholarship sẽ được trao cho những học sinh có thành tích học tập/ thể thao/ văn nghệ/ khả năng lãnh đạo… xuất sắc và không quan tâm đến khả năng tài chính của các bạn. Những bạn có khả năng và thành tích tốt sẽ được ưu tiên xét tuyển. Tùy mỗi trường cấp học bổng mà có những hình thức xét khác nhau, các bạn có thể xem trên website của trường để biết thêm chi tiết.
Need-based Scholarship (Học bổng dựa trên nhu cầu)
Need-based Scholarship là học bổng được hỗ trợ dựa trên khả năng chi trả mà gia đình của các học sinh có thể đáp ứng được cho trường (Expected Family Contribution). Với một vài trường có nguồn tài chính mạnh, các bạn có thể sẽ được đáp ứng được 100% khoản tiền mà gia đình mong được hỗ trợ.
Tuy nhiên, hầu hết các trường lại thường không thể cung cấp hoàn toàn 100% số tiền trợ cấp mà gia đình học sinh yêu cầu, bởi nguồn tài chính để hỗ trợ có hạn. Các trường vẫn sẽ nhận bạn vào học nhưng không cung cấp đủ số tiền bạn cần, cũng có khả năng là trường sẽ từ chối nhận bạn vì nghĩ rằng bạn không thể chi trả tiền học phí cho trường. Chính vì thế khoản tiền Expected Family Contribution (khoản tiền đóng góp của gia đình) đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xét duyệt học bổng này.
Số lượng học sinh mong muốn xin hỗ trợ tài chính tăng lên mỗi đợt mà nguồn tài chính của trường lại có hạn cho nên trong quá trình xét duyệt, nhiều trường đã bắt đầu xem xét đến khả năng đóng góp cho trường của mỗi học sinh. Có nghĩa là tình hình tài chính của gia đình bạn và việc gia đình bạn có thể chi trả được bao nhiêu cho trường sẽ ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của bạn. Với ví dụ sau có thể sẽ giúp các bạn hình dung được vấn đề.
Ví dụ:
Một học sinh A được 2100 SAT. Có thể đóng được $10,000/ năm cho trường.
Một học sinh B được 2040 SAT. Có thể đóng được $35,000/ năm cho trường.
Với những trường áp dụng chính sách need aware, khả năng cao bạn học sinh B sẽ được nhận thay vì học sinh A, bởi mức độ đóng góp cho trường của học sinh B cao hơn A.
Tuy nhiên, có một số trường ở Mỹ lại áp dụng chính sách need-blind admission, thay cho chính sách need- aware, nghĩa là tình hình tài chính của gia đình bạn và số tiền bạn có thể đóng cho trường sẽ không ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh. Và hiện tại chỉ có 6 trường ở Mỹ áp dụng chính sách này đó là:
- Princeton University
- Harvard University
- MIT (Massachusetts Institute of Technology)
- Yale University
- Dartmouth University
- Amherst College
Nếu các bạn học sinh có nhu cầu với hình thức hỗ trợ tài chính dạng này thì có thể tìm hiểu thêm 6 trường trên. Tuy nhiên, ngoài việc xét đóng góp nhiều cho trường nhiều trường vẫn rất muốn nhận những sinh viên xuất sắc, toàn diện, vì thế các trường vẫn hay tập trung vào các yếu tố như lực học (qua bảng điểm, GPA, điểm SAT I, SAT II), hoạt động ngoại khóa (extracurricular activities), khả năng lãnh đạo/ đóng góp cho cộng đồng (qua community services, work) và nhiều yếu tố khác để xét duyệt tổng quan hơn.
Nguồn: Vietabroader