fbpx

Bài luận về xếp hình giúp nam sinh trường Ams giành học bổng 5,5 tỷ du học Mỹ

Bên cạnh suất học bổng du học 5,5 tỷ đồng đến từ trường ĐH Tufts, Mỹ nhờ bài luận về trò chơi xếp hình, Nguyễn Nam Việt còn gây ấn tượng bởi bảng thành tích học tập xuất sắc, đặc biệt là Toán học. Cậu bạn này còn là dịch giả của một cuốn sách Toán học khi chỉ mới 18 tuổi.

Nguyễn Nam Việt là học sinh lớp 12 Toán 1 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Cậu bạn này vừa trúng tuyển vào trường Đại học Tufts, Mỹ với mức học bổng 5,5 tỷ đồng cho 4 năm học.

Tufts thành lập năm 1852, là 1 trong những đại học lâu đời và hàng đầu của nước Mỹ, được đánh giá cao trên thế giới. Tỷ lệ chấp nhận của ĐH Tufts chỉ khoảng 14%, trong đó một số rất ít học sinh trúng tuyển sẽ được cấp học bổng ở nhiều mức khác nhau.

ĐH Tufts nổi tiếng với ngành Quan hệ quốc tế và là 1 trong 7 trường có học phí đắt nhất nước Mỹ.

Thủ khoa đầu vào cấp 2 và cấp 3 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

Nam Việt là cái tên quen thuộc với nhiều học sinh Hà Nội khi đạt Thủ khoa kỳ thi tuyển cấp II (THCS) trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Thủ khoa kỳ thi tuyển cấp III chuyên toán trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Á khoa kỳ thi tuyển cấp III chuyên toán trường THPT chuyên – Đại Học Sư Phạm.

Cậu bạn này còn giành được Huy chương Bạch kim kỳ thi Toán Châu Á – Thái Bình Dương (APMOPS), là 1 trong 2 học sinh Việt Nam tham dự trại hè toán học cho học sinh xuất sắc các nước châu Á tại Hong Kong; Huy chương Đồng WMTC – World Mathematics Team Championship tại Bắc Kinh; Huy chương Bạc kỳ thi Toán Học Trẻ thế giới (BIMC) tại Bulgaria năm 2013… và rất rất nhiều thành tích khác.

Tuy mới 18 tuổi nhưng Việt đã là dịch giả của cuốn sách “Những bài toán nổi tiếng của các nhà toán học vĩ đại” (tên gốc: Famous Puzzles of Great Mathematicians), sẽ được xuất bản vào đầu tháng 4 năm nay.

Bài luận về xếp hình giúp nam sinh trường Ams giành học bổng 5,5 tỷ du học Mỹ - Ảnh 2.

Chào Nam Việt, bạn đã chuẩn bị cho quá trình apply học bổng như thế nào?

Mình chuẩn bị hồ sơ từ khá sớm, và đến cuối tháng 10 hồ sơ mình đã khá đủ cho vòng ED I (vòng tuyển sinh có ràng buộc). Tuy nhiên, kết quả không được như ý nên mình phải chuẩn bị thêm bài luận cho hơn 15 trường vòng RD (vòng thông thường). Bên cạnh Tufts mình ED II thì cũng có 2 trường khác cũng là điểm đến trong mơ là ĐH Columbia và Wharton School of University of Pennsylvania, các trường đều mạnh về ngành mình theo học và môi trường tự do tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh phát triển.

ĐH Tufts đồng ý nhận bạn và cấp học bổng vì lí do gì?

Bên cạnh những yếu tố như GPA hay điểm chuẩn hóa, một trong những điều giúp mình được nhận vào trường là một sự thể hiện toàn diện hồ sơ mình, từ hoạt động ngoại khóa đến bài luận, đều làm nổi bật được con người mình và những đam mê, khát vọng trong tương lai của bản thân.

Bài luận về xếp hình giúp nam sinh trường Ams giành học bổng 5,5 tỷ du học Mỹ - Ảnh 3.

Bài luận về xếp hình – thú vui chiếm nhiều thời gian nhất khi còn nhỏ

Chặng đường apply để giành được suất học bổng vào ngôi trường này chắc hẳn đã có rất nhiều khó khăn?

Cũng như các bạn khác, apply là một quá trình dài hơi và đầy căng thẳng. Vừa phải chuẩn bị các bài luận và hoàn thiện điểm chuẩn hóa, mình nghĩ khó khăn này không phải của riêng ai. Tuy nhiên, điều đáng nhớ nhất trong cả quá trình chính là những sự khó khăn này đã trở thành sợi dây vô hình kết nối chúng mình. Giai đoạn vừa phải viết luận cho kịp deadlines vừa phải ôn đội tuyển quốc gia, nhiều đêm thức đến 3,4 giờ sáng, thấy bạn bè vẫn online, nhắn nhau cùng cố gắng vì “Giấc mơ Mỹ”, hay gửi nhau vài cái ảnh biếm họa, đã trở thành một phần đáng nhớ trong năm lớp 12 của mình.

Bài luận của bạn có điều gì thú vị, gây ấn tượng với nhà tuyển sinh?

Có thể nói mình khá may mắn khi ý tưởng của bài luận chính được hình thành khá sớm. Ý tưởng bắt đầu trong một lần mình dọn nhà và tìm thấy bộ Lego cũ. Hồi nhỏ, xếp hình là thú vui chiếm nhiều thời gian của mình. Với suy nghĩ của một đứa trẻ, mình đã ngồi tỉ mẩn lắp ghép nhiều bộ đồ chơi với nhau và đạt được thành quả là một cái máy bay khá là to, mà mình nhớ là đã rất hãnh diện.

Nhưng đến bây giờ, khi lớn lên và nhìn lại, mình chợt nhận ra một điều hiển nhiên, là nó quá cồng kềnh. Nó mang trong mình rất nhiều tính chất tuyệt vời của một chiếc máy bay, nhưng khi đi với nhau, mọi thứ trở nên thiếu gắn kết và dễ dàng vỡ vụn. Nhìn chiếc máy bay, mình nghĩ đến cuộc sống của mình và nhiều bạn bè với ước mơ du học.

Chúng mình đã dành quá nhiều thời gian cho các kì thi, đã bỏ rất nhiều công sức có khi chỉ vì 10 hoặc 20 điểm SAT mà quên mất đi một điều quan trọng: “Mình là ai”. Những người tài giỏi, họ không phải là người xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực, mà họ là người biết sử dụng những điểm mạnh của mình một cách hoàn thiện nhất.

Bài luận về xếp hình giúp nam sinh trường Ams giành học bổng 5,5 tỷ du học Mỹ - Ảnh 4.

Bạn đã ôn luyện như thế nào để có được kết quả 1500/1600 điểm SAT, 35/36 điểm ACT, SAT II Toán và Lý ở mức tuyệt đối 800/800, TOEFL 111/120 điểm?

Tôn Tử đã từng nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, và mình nghĩ đây là kinh nghiệm quý giá nhất trong hầu hết các kì thi, chứ không chỉ riêng chuẩn hóa.

Biết khắc sâu vào điểm yếu của bản thân và có ý chí khắc phục nó là một trong những điều cốt lõi của thành công. Theo mình, làm nhiều không hẳn là đã tốt, mà phải làm sâu, làm kĩ, biết rút kinh nghiệm từ các lỗi sai trước đó. Bởi vì, nếu làm xong rồi sai, sai rồi đánh dấu X và để đó, thì nếu gặp lại trong tương lai, thì sai lầm sẽ rất dễ lặp lại.

Việc hiểu được kĩ năng đề thi muốn đánh giá cũng không kém phần quan trọng. Ví dụ trong phần thi Khoa học của ACT, người ta không yêu cầu bạn hiểu được hết quy trình phân hủy của Enzym, mà muốn từ những dữ kiện đó, bạn có thể rút ra được điều gì. Hiểu được những yêu cầu này giúp mình đề ra được cách ôn tập hợp lý cũng như cố gắng luyện tập các kĩ năng không chỉ trong lúc làm đề mà cả khi đọc sách báo hoặc các tài liệu nước ngoài.

Bài luận về xếp hình giúp nam sinh trường Ams giành học bổng 5,5 tỷ du học Mỹ - Ảnh 6.

Muốn trở thành nhà ngoại giao am hiểu về kinh tế, hoặc nhà kinh tế am hiểu về ngoại giao thay vì một trong hai

Bạn sẽ bắt đầu cuộc sống du học Mỹ khi nào?

Mình sẽ lên đường vào tháng 8 năm nay. Lần đầu tiên xa nhà trong 1 khoảng thời gian lâu như vậy, thú thực, mình cũng khá lo lắng và thấy còn nhiều điều bỡ ngỡ. Tuy vậy, mình nghĩ rằng, với những trải nghiệm đã có của bản thân và sự giúp đỡ từ những người bạn thân, mình hi vọng đây sẽ là 4 năm đáng nhớ của mình

Ngành học bạn sẽ theo đuổi là gì?

Ở Tufts, mình dự định học song song 2 ngành là Kinh tế và Quan hệ Quốc tế và ngành phụ Quản trị kinh doanh. Với bản tính hướng ngoại, những ngành học này có thể giúp mình phát huy tối đa ưu điểm của bản thân, với mong muốn trở thành nhà ngoại giao am hiểu về kinh tế, hoặc nhà kinh tế am hiểu về ngoại giao thay vì một trong hai.

Bài luận về xếp hình giúp nam sinh trường Ams giành học bổng 5,5 tỷ du học Mỹ - Ảnh 7.

Dịch giả cuốn “Những bài toán nổi tiếng của các nhà toán học vĩ đại” ở tuổi 18

Ngoài học tập, bạn có hay tham gia các hoạt động ngoại khóa không?

Hoạt động ngoại khóa của mình được chia theo 2 mảng rõ ràng là nghệ thuật và học thuật. Về học thuật, mình có tham gia giảng dạy học sinh tham gia các kì thi Toán bằng Tiếng Anh trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, mình cũng là dịch giả của cuốn sách “Những bài toán nổi tiếng của các nhà toán học vĩ đại” (tên gốc: Famous Puzzles of Great Mathematicians) mà sẽ được xuất bản vào đầu tháng 4.

Về mảng nghệ thuật, may mắn là học sinh trường Ams, mình có cơ hội trải nghiệm một môi trường với nhiều cơ hội cho học sinh khám phá bản thân (chủ đề của 1 trong 3 bài luận phụ của Tufts của mình). Tham gia nhiều câu lạc bộ vào lớp 10, tuy nhiên, đến lớp 11, mình chỉ tham gia Glee Ams, một câu lạc bộ về âm nhạc của trường, với vai trò Media. Ở đây, mình có cơ hội được thử thách bản thân trong một vai trò mới.

Cuối năm lớp 11, mình được tham gia vào ban tổ chức của chương trình nhạc kịch G’Lams năm 2017, với vai trò trong ban tài chính và hậu trường. Bên cạnh những kĩ năng mới mình học hỏi được, chương trình đã trở thành một điểm sáng trong 3 năm cấp 3 và là một trong những niềm cảm hứng cho mình khi nói về ngôi trường cấp 3 và những điều mình đã bỏ lỡ, những điều mình có thể sửa chữa trong 4 năm học đại học.

Bạn muốn gửi gắm điều gì cho các bạn trẻ đang có giấc mơ du học?

Quá trình apply là một quá trình thực sự gian nan và vất vả. Tuy nhiên, các bạn nên nhớ rằng du học không phải là mục đích cuối cùng. Đừng để áp lực đó làm mất đi niềm tin và sức sống, hãy tập cách chăm sóc cho bản thân mình. Bên cạnh vẫn còn bạn bè, gia đình, những người luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Cố gắng suy nghĩ về những điều thân thuộc nhất, những điều tạo nên bản sắc của riêng mình và chứng tỏ với trường mình phù hợp như thế nào. Trên hết, đừng mất niềm tin vào bản thân mình chỉ vì những email báo kết quả vào lúc 6 giờ sáng.

Cảm ơn Việt về những chia sẻ này!

Theo kenh14.vn