fbpx

RICE UNIVERSITY (#17 NU)

Được sáng lập năm 1912 bởi ông trùm ngành cotton bang Texas William Marsh Rice, Đại học Rice luôn phấn đấu hoàn thành sứ mệnh cung cấp các chương trình đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, nghệ thuật và nhân văn – với chi phí phù hợp với điều kiện tài chính của phần lớn các gia đình. Với chương trình giảng dạy xuất sắc về giáo dục khai phóng và khoa học, cũng như nguồn kinh phí đài thọ khổng lồ (được dùng để giữ học phí ở mức tương đối thấp như vậy), Đại học Rice quả là một món hời trong số các trường đại học danh giá  Rice là trường nổi tiếng nhất vùng Tây Nam nước Mĩ, và chỉ xếp sau Duke trong cả miền Nam. Nhờ vào kế hoạch phát triển mạnh mẽ, trường tiếp tục thu hút ngày càng càng nhiều sinh viên tài năng hàng đầu cả nước. “Không thể phủ nhận rằng sinh viên Rice học tập nghiêm túc, vui chơi nhiệt tình, vừa mọt sách nhưng vừa cá tính,” một sinh viên chuyên ngành khoa học môi trường, “lại vừa có khả năng tạo dựng những mối quan hệ bền lâu.” 

Rice được xây dựng theo mô hình các đại học tân tiến, học phí thấp như Cooper Union cũng như Đại học Princeton truyền thống hơn. Tuy có nhiều điểm tương đồng với các trường khác, Rice vẫn rất đặc biệt. Trường cách trung tâm thành phố Houston 4.8 km, được xây dựng theo phong cách Địa Trung Hải Tây Ban Nha, và được bao bọc bởi một hàng rào, ngăn cách khuôn viên trường yên tĩnh với thành phố xô bồ bên ngoài. Một điểm sáng của trường là toà nhà Duncan Hall rực rỡ, thiết kế bởi kiến trúc sư người Anh John Outram. Trung tâm Nghệ thuật Moody trị giá 30 triệu đô cũng vừa được mở cửa năm 2016.

Rice vốn nổi tiếng với các chương trình đào tạo trong lĩnh vực khoa học và kĩ thuật; sinh viên kĩ sư chiếm phần lớn sĩ số ở đây. Khoa kiến trúc bậc cử nhân của trường cũng thuộc top đầu cả nước; trong khi khoa vật lí không gian làm việc thường xuyên với NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kì). Các chương trình đào tạo tâm lí học và khoa học xã hội rất phổ biến; kinh tế học và âm nhạc cũng rất danh giá. Nhờ vào chương trình “Sáng kiến Khởi nghiệp” mới, ngày càng có nhiều khoá học và chương trình giảng dạy ở lĩnh vực này, được đầu tư từ các nguồn lực từ chương trình hệ thạc sĩ/tiến sĩ nổi tiếng của trường. Rice từ lâu đã có truyền thống ủng hộ sinh viên học ngành đôi hoặc thậm chí ngành ba trong các lĩnh vực tưởng chừng đối ngược nhau, ví dụ như kĩ thuật điện và lịch sử nghệ thuật. Trong chương trình chuyên ngành theo lĩnh vực, sinh viên có thể đề xuất theo học một liên ngành riêng. Một lựa chọn khác là chương trình ngành phụ liên quan, có thể thay thế cho các yêu cầu về môn học. Toàn bộ tân sinh viên của trường đều tham gia một khoá viết lách năm nhất vừa được soạn gần đây; khoá học được thiết kế kĩ lưỡng tập trung vào một vài chủ đề nhất định.

“Các môn học đều khó và cạnh tranh,” một sinh viên năm hai cho biết. “Tuy nhiên, bầu không khí học đường ở Rice mang tính hợp tác cao. Sinh viên giúp đỡ lẫn nhau hơn cả nhiệt tình ngay cả trong những thời điểm bận rộn như thi giữa kì hay cuối kì.” Các lĩnh vực kĩ thuật và dự bị y khoa đặc biệt cạnh tranh; mỗi năm lại có nhiều sinh viên ban đầu dự định theo các ngành này quyết định chuyển hướng sang nhân văn. Tất cả sinh viên đều tôn trọng hệ thống danh dự trong thi cử; hầu hết các bài thi đều không có giám thị. Sĩ số lớp học ít khi là một vấn đề; 69% lớp có tối đa 20 sinh viên. Giảng viên Rice được đánh giá rất cao; các giáo sư kì cựu của trường thường dạy các khoá năm nhất. “Giảng viên Rice hết sức tận tâm trao đổi với sinh viên, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn; đối với sinh viên, họ vừa là cố vấn lại vừa như một người bạn vậy,” một sinh viên cho biết.

Nếu theo chuyên ngành nhân văn và khoa học xã hội, và được chọn tham gia chương trình Mellon Fellow, sinh viên có cơ hội làm việc với cố vấn giảng viên trong một dự án học thuật, bao gồm trợ cấp nghiên cứu mùa hè. 70% sinh viên bậc cử nhân hoàn thành ít nhất một nghiên cứu trước khi tốt nghiệp. Sinh viên kiến trúc và kĩ thuật cũng có cơ hội thực tập. 30% sinh viên tham gia các chương trình du học ở nhiều quốc gia.

“Sinh viên Rice thân thiện, đam mê, cá tính, và rất thông minh,” một sinh viên năm hai cho biết. Rice được sáng lập để phục vụ các “cư dân của Houston và bang Texas,” và 44% sinh viên cử nhân của trường tới từ trong bang. Các sinh viên bản xứ khác chủ yếu tới từ California, Florida, vùng Đông Bắc, cũng như các bang miền Nam khác. Rice chỉ có 12% là sinh viên quốc tế, ít hơn nhiều trường khác. 24% tổng số sinh viên trường là người Mĩ gốc Á, 14% là người tới từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha, và 6% là người Mĩ gốc Phi. Bởi phần lớn nguồn quỹ trường được sử dụng để giảm học phí xuống mức tương đối rẻ, nên chi phí của trường ít hơn vài ngàn đô la so với các đại học tư danh giá khác. Ngoài ra, trường cam kết đáp ứng toàn bộ nhu cầu tài chính của ứng viên nếu được nhận. Học bổng dành cho ứng viên xuất sắc trị giá trung bình $16,399; ngoài ra mỗi năm trường còn trao 258 suất học bổng cho các vận động viên thành tích tốt. Rice cũng đã loại bỏ các khoản vay đối với sinh viên tới từ các gia đình có thu nhập thấp hơn $80,000.

Các sáng lập viên của Rice không đồng tình với các tổ chức quý tộc, do đó các hội nam sinh hay hội nữ sinh đều bị cấm trong khuôn viên trường. Thay vào đó, sinh viên có thể tham gia các trường kí túc, kiểu kí túc xá riêng của trường, nơi sinh hoạt của 72% sinh viên Rice. Hệ thống chỗ ở được dựa theo mô hình của các trường kí túc Anh Quốc. Mỗi sinh viên cử nhân được phân vào một trường kí túc vào năm nhất, và họ sẽ là thành viên của trường kí túc này trong cả 4 năm – dù sau này có chuyển ra sống bên ngoài hay không. Sinh viên trường khen ngợi hệ thống trường kí túc này bởi cảm giác thuộc về một cộng đồng tương đối nhỏ mà trải nghiệm này mang lại. Chất lượng chỗ ở “đa dạng từ ổn tới rất tuyệt,” một sinh viên năm tư cho biết. Sinh viên có thể ăn ở bất kì nhà ăn sinh viên nào và “nếu mua bữa ăn theo kế hoạch, sinh viên có thể ăn ở tất cả các quán xá trong trường, phong phú tuyệt vời,” một sinh viên chuyên ngành khoa học thần kinh cho biết. Một sinh viên khác cũng bổ sung, “An ninh học đường rất tốt so với một thành phố lớn như Houston.”

“Các câu lạc bộ và hội nhóm tổ chức biểu diễn, bữa tối, đêm nhảy, và các ký túc tổ chức các sự kiện theo chủ đề,” một sinh viên cho biết. “Hầu hết các sự kiện cộng đồng diễn ra trong khuôn viên trường,” Houston có cuộc sống về đêm sôi động, nhưng có xe hơi thì mới tận hưởng trọn vẹn được. Mặc dù hệ thống tàu giúp cho việc di chuyển xuống thành phố dễ dàng hơn, nhưng điều này vẫn khá khó – kể cả khi sinh viên được miễn phí vé. Thành phố cũng đem lại nhiều cơ hội tình nguyện; ¾ sinh viên Rice tham gia các hoạt động này. Các bãi biển khu Galveston ở vịnh Mexico chỉ cách trường 45 phút; ngoài ra, sinh viên có thể du lịch cuối tuần tới New Orleans, đặc biệt vào tháng 2.

Ở Rice có rất nhiều người hâm mộ bóng đá nhiệt tình, cổ vũ những màn xé lưới đã trở thành truyền thống sôi động của trường. Bóng đá, bóng chày nam và tennis, bơi, lặn nữ là các môn đặc biệt cạnh tranh. Tất cả đội tuyển thể thao của Rice đấu trong giải Division I Hoa Kì. 75% sinh viên Rice cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động thể thao nội bộ. Sự kiện nổi tiếng nhất của trường là giải đua Beer-Bike giữa các trường kí túc với nhau; trong đó các đội nam nữ chung 20 người cùng đua xe đạp để xả stress khỏi việc học, trong khi nhóm cổ động viên uống bia (hoặc nước lọc nếu dưới 21 tuổi.)

William Marsh Rice không sống đủ lâu để nhìn thấy thành công của ngôi trường mà ông thành lập (ông bị người hầu đánh thuốc mê nhằm âm mưu chiếm đoạt gia sản), nhưng chắc chắn ông sẽ tự hào về đại học mang tên mình. “Rice tin tưởng và đặt trách nhiệm lên vai sinh viên,” một sinh viên năm hai nhận xét. “Học tập ở đây là một trải nghiệm khiến sinh viên trưởng thành.” Rice càng ngày càng phát triển; vẫn chưa chắc trong tương lai trường còn khả năng gìn giữ mối quan hệ thân thiết giữa sinh viên và giảng viên, cũng như sự ấm áp của việc sinh hoạt trong các trường kí túc – điều khiến trường trở nên đặc biệt đến vậy hay không. Nhưng một khi sinh viên tốt nghiệp, tấm bằng Rice sẽ mở cánh cửa cho họ tới thế giới nghề nghiệp. Và nhờ chỉ phải trả khoản học phí tương đối thấp của trường, tới lúc đó họ vẫn chưa rỗng túi. 

Nguồn: Fiske Guide

Danh sách các trường Đại Học Mỹ